Trong cuốn sách nhỏ này bạn có thể lọc ra chừng năm phần trăm số bài có thể gọi được là "tác phẩm". Số còn lại cũng không kém hay, xin cam đoan như vậy. Nói cách khác, đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ yêu các tác giả, và với một chút cảm thông hoặc với rất nhiều độ lượng, bạn sẽ coi đó như là những "tác phẩm" đích thực của những nhà văn nhỏ tuổi. Có điều là, những tác phẩm văn chương này không do các nhà văn chuyên nghiệp viết ra.
Các nhà văn chuyên nghiệp sẽ viết văn khéo hơn thế này nhiều! Trái lại, những "tác phẩm" bạn sắp đọc đây còn chứa đầy những vụng dại của những người viết văn không chuyên nghiệp, hơn nữa, của những "nhà văn" đang học lớp Bốn A trường Tiểu học Thực nghiệm Liễu Giai, Hà Nội. Những vụng dại vô cùng đáng yêu! Năm 1986, tôi đã có cái vinh dự viết lời giới thiệu cho một tập sách "vụng dại" tương tự có tên Chúng em muốn giỏi văn của học sinh trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Tiếp theo cuốn sách đó, các trường thực nghiệm ở địa phương, ở Nha Trang, ở Quận I thành phố Hồ Chí Minh, và một vài trường khác cũng công bố những "tác phẩm" na ná nhau, không nói ra nhưng trường nào cũng muốn khoe với xã hội những kết quả của một cách học Văn hoàn toàn khác.
Cách đây chừng một năm, cô giáo Ngọc Sương ở Tây Ninh cũng có một tập dầy dặn những bài văn cô khen hay và người viết hoàn toàn không học lỏm những cách viết bài văn mẫu. Những tập sách và những bộ sưu tập đó đều ít nhiều cho thấy cách dạy Văn theo đường lối Công nghệ Giáo dục. Dạy Văn theo đường lối Công nghệ Giáo dục có bí quyết gì? Chẳng có gì ghê gớm cả. Chỉ có một bí quyết rất dễ đem áp dụng phổ biến như sau: đã đi học thì người học phải tự mình làm ra sản phẩm giáo dục (cái mình muốn học); muốn tự làm ra được cái sản phẩm giáo dục đó, thì phải có công cụ tạo ra sản phẩm (hệt như muốn cưa gỗ thì phải có cái cưa).
Chỗ khác nhau duy nhất ở đây là: công cụ để lao động học chỉ nằm trong đầu người học thôi. Và công cụ để học các môn khoa học là thao tác phân tích với một đầu óc lô gich, còn công cụ để học các môn nghệ thuật là thao tác tưởng tượng với một trái tim đồng cảm. Ở một khía cạnh nào đó, trong mỗi bài văn in chung trong tập sách này, bạn đều bắt gặp một tâm hồn nhạy cảm. Những đề tài ở đây của các em chẳng có gì cao xa hết, ở đời có những đề tài còn ly kỳ, hấp dẫn hơn nhiều! Những câu văn diễn tả các đề tài cũng chẳng có gì là bay bướm hết, ở đời còn có những người viết văn khéo tay hơn nhiều! Cái mà ta tìm thấy ở đây là những tâm hồn nhạy cảm. Nhạy cảm và trong sáng. Trong sáng nên rất nhạy cảm. Nhạy cảm đến mức rất dễ bị tổn thương. Nhạy cảm nên khi tự soi vào lòng mình, thì chỉ một chút khiếm khuyết, một lời hứa với mẹ chưa thực hiện đúng, một hiểu lầm với bạn, một trò tinh quái qua mặt được cô giáo, chỉ thế thôi đã tự coi như phạm một tội lỗi tầy trời, tưởng đâu như không thể nào xóa sạch được vết nhơ!
Các cô giáo và ban biên tập gồm toàn học sinh lại khéo xếp các bài văn theo các chủ đề, cho thấy tầm hoạt động và phạm vi "vốn sống" của các tác giả thật rộng, đủ rộng để bộc lộ được chiều sâu tâm hồn các em. Nhà trường Công nghệ Giáo dục dạy Văn không nhằm tạo ra những học trò "giỏi văn" mà cốt nuôi dưỡng những tâm hồn trong sáng và nhạy cảm đó.
Nếu chỉ chăm chú đào tạo những học sinh "giỏi văn" nhưng không giữ gìn được tâm hồn trong sáng và nhạy cảm, thì "giỏi văn" mà có ích gì, giỏi văn để làm gì? Bên cạnh điều cốt lõi ấy, vẫn có những kỹ thuật dạy Văn do Công nghệ Giáo dục tìm ra, nhưng đó chỉ nhằm giúp các em học sinh đến được một ngữ pháp nghệ thuật để các em tự đến được với cái đẹp nghệ thuật cả trong cuộc sống thường ngày lẫn trong học thuật một khi các em học lên những bậc cao hơn.
Dẫu sao, tới khúc này, ở giai đoạn lớp Bốn, ta hãy nhìn cái năng lực văn của các em như được thấy trong cuốn sách này, xin bạn đón nhận niềm vui và tấm lòng của các em và của cô giáo ngày ngày dắt dẫn các em học Văn.