Trước ngày Nhật Nam đi học bên Mỹ, chúng tôi cam kết với nhau, cùng có sách xuất bản trong năm 2015. Theo kế hoạch, tôi sẽ hoàn thành cuốn Du ký qua những miền đất Phật còn Nhật Nam thì cho ra Hành trình trên đất Mỹ. Đại loại là vậy. Chúng tôi là hai người bạn rất kỳ lạ, rất hiểu nhau, hai lứa tuổi khác nhau nhưng cùng chung cách sống nghiêm túc, đúng kế hoạch nên nhất định là có sách.
Đùng một cái, người bạn yêu quý Nhật Nam của tôi làm thơ. Tôi giật mình. Tôi bất ngờ. Tôi đọc nhiều bài của Nam và đọc thêm cả những comment thú vị nữa. Lại thêm giật mình. Nhưng rồi ngồi tĩnh tâm, tôi nghĩ lại: Có gì đâu là lạ. Nhật Nam thì cái gì mà không làm được. Con được thầy Chính Trung tặng cho bức tâm thư pháp “Mặt trời của nước Nam” rồi mà. Con tỏa sáng là đúng. Tỏa sáng về muôn nơi, bằng mọi cách.
Nhận được bản thảo đầy đủ của tập thơ, tôi ngồi đọc ngay. Nhẽ ra thơ phải đọc thật chậm để thưởng thức, đằng này tôi đọc nhanh như một cái máy, đọc như có cảm giác rằng tập thơ này tôi chỉ được mượn có ít phút và phải trả ngay. Thật là kỳ cục. Nhưng đó là sự thật.
Nhật Nam viết ở bên kia bán cầu còn tôi ngồi đọc tại Sài Gòn, phía Nam của đất nước hình chữ S. Tôi như bị lac vào thế giới của Nhật Nam. Mỗi bài thơ là một câu chuyện. Từng bài thơ là những cảm xúc của cậu bé được cấu tạo bởi bảy mươi ngàn tỷ tế bào yêu thương. Yêu thương của con tuôn trào từ tâm can tràn lên những trang giấy, tràn vào máy tính, truyền qua Internet đi muôn nơi. Tình yêu thương của con rất mộc mạc và dung dị, rất ấm cúng và gần gũi, rất sống động và tạo cảm xúc lắng đọng. Lạ lắm. Thế là tôi đọc rất nhiều lần, rất nhiều.
Về Hà Nội, tôi lại mang thơ con ra đọc. Bây giờ cách đọc của tôi đã hoàn toàn khác. Đọc mỗi bài một ngày. Tôi cứ cảm giác rằng đây là kho lương khô, mỗi ngày anh bộ đội – tôi chỉ được ăn một phong. Phải như vậy mới thấy hết giá trị của từng câu từng chữ, của tâm huyết, của một tấm lòng. Đọc rồi tôi có cảm giác như mình đi trong sương đêm, không thấy mưa nhưng nước ngấm dần vào làm ướt hết quần áo tôi, ướt tóc, ướt đầu tôi. Thơ của Nhật Nam như sương đêm ngấm qua da, vào thịt, đi tiếp vào xương đến tận tủy của tôi. Thật là lạ. Lạ lắm.
Nhật Nam viết về ông bà mình, về bố mẹ mình. Bạn thử dành 30 giây, xin bạn 30 giây thôi, nhắm mắt lại, nghe tâm sự của con với bố:
“Bố ơi! Ngơi nghỉ đôi vai
Trĩu rồi gánh nặng dặm dài bố qua
Bố ơi! Nhẹ bớt đường xa
Còn trời, còn nước, còn “ta” thương “mình.”
Tôi lại xin bạn thêm 30 giây nữa để nghe Nhật Nam viết cho mẹ, về mẹ:
“Thôi nào nước mắt đừng lăn
Thôi nào cất những băn khoăn muộn phiền
Xa xôi dẫu có trăm miền
Tim con vẫn trọn nỗi niềm yêu thương”
Bạn có giật mình không. Bạn có cảm nhận được tâm của bạn không. Bạn có thấy tâm của bạn và tâm Nhật Nam hòa vào làm một chưa. Bạn - là một cô cậu học sinh phổ thông, và bạn chắc phải ứa nước mắt khi nghĩ đến bố, đến mẹ mình. Bạn là người cha, người mẹ và chắc sẽ giật mình nhận ra tình yêu thương của mình dành cho con của chính bạn, hình như lớn hơn cả bầu trời bao la. Bạn là thầy giáo, cô giáo thì sẽ nhất định ôm trọn tập thơ vào lòng và nhủ thầm: Tài liệu quý để dạy trò đây rồi, mình đã có bảo bối thật rồi.
Tôi muốn bạn đọc hết từng bài. Bạn hãy nghe Nhật Nam tâm sự với ông, với bà. Bạn hãy thả lỏng toàn thân để ngồi trên ghế hay nằm trên đi văng để nghe con tâm sự về những tháng ngày con một mình sống trên đất Mỹ. Và hãy là một với Nhật Nam đi nhé. Hãy là Nhật Nam, chứ đừng là bạn, người đọc tập thơ này. Tôi nói vậy vì đang nhớ lại về chính mình, khi tôi rời quê lúa Thái Bình về Hà Nội học cấp 3 chuyên ngoại ngữ. Thái Bình gần Hà Nội nhiều so với từ Mỹ về Việt Nam. Tuổi của tôi khi đó đã lớn hơn Nhật Nam. Mà nhà tôi lại có đến 6 anh em!
Đêm qua tôi mơ thấy Nhật Nam. Nhưng Nhật Nam lại là một đám mây, một đám mây trắng rất đẹp bay trên bầu trời. Tôi đã tâm sự với Nhật Nam – đám mây. Nhật Nam nói rằng em với mọi người là một, rằng em có trong tôi, trong mỗi chúng ta và mỗi chúng ta có trong em. Nhật Nam nói rằng bố Thảo là sông Mê Công, mẹ Điệp là sông Hồng Hà, tôi là sông Hương. Mỗi người thân, người bạn, người quen, vả cả người lạ của Nhật Nam là những dòng suối, dòng sông lớn và nhỏ. Nước bốc hơi lên, tạo ra đám mây Nhật Nam. Rồi mây làm mưa, rơi xuống, tràn ngập khắp núi rừng, chảy lại về suối, về sông, để ra đại dương mênh mông. Nhật Nam muốn nước về với đại dương. Tôi hỏi, đại dương chứa nước biển à. Con bảo «không». « Trí tuệ và Yêu thương».
Tôi giật mình tỉnh dậy và thấy mình đang ôm chiếc gối. Tôi mỉm cười thật nhẹ nhàng. Biết ơn giấc mơ về Nhật Nam như một giấc mơ thiền, như một giấc mơ triết học.
Tôi muốn ôm cuốn sách của Nam vào lòng, ôm chặt như vẫn ôm con khi chúng tôi gặp nhau. Trong tâm tôi vang lên 4 câu thơ của con mà tôi rất thích :
“Đừng cách ngăn, đừng xa dời
Khẽ khàng chạm tim ấm nóng
Rưng rưng một miền trông ngóng
Con nghe trọn nỗi… rì rầm…”.
Tim bạn đã chạm được vào trái tim ấm nóng của Nhật Nam chưa? Còn gì ngăn cách chúng ta nữa không? Bạn hãy đọc ngay tập thơ đi xem có rưng rưng như tôi hay không? Hay bạn đã thật sự thấy tiếng rì rầm của Nhật Nam bên tai mà có thể trong tim của bạn?
Thêm một điều kỳ diệu nữa mà ít khi có được: Cả gia đình Nhật Nam cùng ra sách lần này. Nhật Nam có tác phẩm thứ 4 Đường xa con hát Bố Thảo có cuốn Tròn một vòng yêu thương, mẹ Diệp ra cuốn Yêu thương, mẹ kể.