Vậy là bạn đã cầm trong tay Đười Ươi Chân Kinh, tinh tuyển thi văn của Bùi Giáng, một trong số những thi sĩ kỳ dị nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại, đồng thời cũng là một trong số rất ít những đại biểu của thơ ca miền Nam trước 1975 vẫn tiếp tục được xuất bản và truyền tụng cho tới nay.
Đười Ươi Chân Kinh, Bùi Giáng, Sách Khai Tâm
...
Sự thiếu vắng các nghiên cứu, phê bình nghiêm túc về Bùi Giáng càng khiến cho tình trạng trên thêm phức tạp. Nhiều chục năm đã trôi qua, điểm lại, số lượng các bài viết có giá trị về Bùi Giáng ít ỏi đến mức đáng ngạc nhiên. Và, ngay cả ở bài viết thuộc loại kim chỉ nam, thường được trích lại rất nhiều của Thanh Tâm Tuyền, đăng trên tạp chí Văn, số giai phẩm, năm 1973, tác giả cũng chỉ dừng lại ở mức đưa ra những nhận xét lấp lửng, bông lơn... theo kiểu: “Chúng ta nghĩ gì về thơ ông? Đừng có nghĩ, hãy buông mặc theo ông... Và ta hãy là bóng vang của ông” hoặc là "Chúng ta hãy chịu chói lọi trong tan nát giữa trận đồ của Bùi Giáng”... Đã ngót bốn chục năm kể từ bài viết có tính khai sáng, dẫn dụ đó mà ta vẫn biết thêm không nhiều, ngoại trừ Bùi Giáng là một “thiên tài tự hủy” và hồn thơ thì “bị vây khốn”! Đây là một thực tế đáng buồn. Trong khi một hiện tượng sáng tác đa diện, phức tạp và thú vị như Bùi Giáng, theo thiển ý của chúng tôi, ở một nền nghiên cứu tử tế, hẳn là đã xứng đáng cho nhiều công trình khảo cứu bài bản.