Cuốn này là cuốn thứ hai trong bộ Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải, nằm sau Bão táp cung đình và trước Thăng Long nổi giận, nội dung từ trước cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất đến trước cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, tức trong khoảng 30 năm từ 1250 đến 1280, trải qua 2 đời vua Trần: Thái Tông và Thánh Tông cùng khởi đầu của đời vua Nhân Tông.
Một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc được tái hiện trong sách, với những ý kiến mà ngày nay vẫn có thể còn đúng đắn:
"Giang sơn gấm vóc của tiền nhân để lại, mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi hòn đá viên sỏi từng thấm máu của người mình trải mấy ngàn năm, cho nên một tấc một thước núi sông ta cũng không được phép để lọt vào tay quân thù. Từ xưa cái họa của nước mình thường từ phương bắc đến, do vậy các con nên canh chừng người Bắc" (lời vua Thái Tông trước khi mất)
"...điều quan yếu nhất là phải thắng được nỗi sợ hãi, phải xác quyết rằng dù kẻ kia có mạnh đến mấy cũng chỉ là lũ kẻ cướp... nếu trên từ bệ hạ dưới là quần thần tới tận binh sĩ và từng người dân đều đồng lòng như vậy thì không một kẻ cướp nào, không một kẻ xâm lăng nào là không bị đánh bại" (lời Trần Thủ Độ).