Nền y học cổ truyền Việt Nam có truyền thống và có lịch sử lâu đời, phong phú. Từ xưa cha ông ta đã biết sử dụng nguồn dược liệu quý giá của đất nước với các phương pháp chế biến khác nhau và các dạng bào chế thích hợp dùng để phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, đúc kết được các kinh nghiệm từ thực tiễn lâm sàng, xây dựng nên những lý luận về các phương pháp phòng và chữa bệnh, đồng thời còn dựa vào hệ thống triết học cổ phương Đông, vận dụng vào y học cổ truyền như thuyết âm dương ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc… tạo ra một hệ thống y lý phong phú, có sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Trong quá trình đó đã xuất hiện nhiều danh y nổi tiếng với kinh nghiệm phong phú như Phạm Công Bân, Tuệ Tĩnh thế kỷ 14, Nguyễn Đại Năng thế kỷ 15, Hải Thượng Lãn Ông thế kỷ 18. Đó là những ngôi sao sáng, xuất chúng trong ngành y học cổ truyền của nước ta.
Nối tiếp ông cha trong lĩnh vực y học cổ truyền của nước ta; dưới ánh sáng của các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước như Chỉ thị 210, Nghị quyết 200CP, Nghị quyết 226CP; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Y tế, nền y học cổ truyền của nước ta không ngừng mở rộng và phát triển.
Trong việc kết hợp y học cổ truyền dân tộc với y học hiện đại, công tác chế biến dược liệu và hướng dẫn sử dụng dược liệu theo phương pháp y học cổ truyền có vai trò quan trọng. Hơn nữa, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như công tác phòng và trị bệnh cho nhân dân cũng có nhu cầu đòi hỏi cấp thiết đối với y học cổ truyền nói chung và dược học cổ truyền nói riêng.
Bên cạnh đó, với phương châm xã hội hóa y học cổ truyền và đặc biệt nhiệm vụ sắp tới rất mới mẻ và khó khăn; đó là công cuộc hiện đại hóa và công nghiệp hóa y dược học cổ truyền của nước ta. Vì vậy việc chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho sinh viên đại học dược về lĩnh vực Dược học cổ truyền là điều không thể thiếu.