“Dựa vào vai em và khóc đi anh” là tuyển tập truyện ngắn của tác giả trẻ Hà Thanh Phúc. Xuyên suốt tác phẩm là những câu truyện tình đượm buồn được thể hiện tinh tế qua số phận của nhiều nhân vật. Cả tác phẩm như một khối ru bích nhiều màu, đảo qua mỗi miếng gép như giở qua từng truyện ngắn là tình yêu lại được lật sang một trang khác.Và cho dù nằm ở mặt phẳng nào đi chăng nữa thì tình yêu trong đó cũng khó đồng màu và được trọn nghĩa. Bởi vì tình yêu không bao giờ là thành quả chiến thắng của một cuộc tình giằng co, tình yêu cũng không thể dành tặng cho những con người nhiều đắn đo lựa chọn và càng không thuộc về những con người quá tham lam. Vì vậy khi đọc “Dựa vào vai em và khóc đi anh người ta thấy lẫn cùng tiếng cười đùa, niềm vui sướng là những tiếng thở dài, niềm khắc khoải và cả những tiếng nấc nghẹn ngào.
Không chỉ có vậy, đọc “Dựa vào vai em và khóc đi anh” để còn hiểu hơn về một thứ tình yêu mà mọi người vẫn coi là không - bình - thường: tình yêu của thế giới thứ ba. Để biết được rằng dù tình yêu có được định hình bằng gì đi chăng nữa thì nó vẫn đem lại cho người ta đầy đủ những vị ngọt và trái đắng đặc trưng mà nó có ( Những giấc mơ trắng)
Có thể khi đọc “ Dựa vào vai em và khóc đi anh” người ta cảm thấy hơi bất ngờ : lẽ nào tình yêu đến và đi sao mà nhẹ nhàng đến thế? Thậm chí, ta còn cảm thấy hoang mang khi mà tình yêu và sức nĩu giữ của nó lại yếu ớt đến vậy? Nhưng thực ra không phải vậy, ẩn sau mỗi cuộc tình đổ vỡ tưởng chừng mất mát không nhiều kia lại là những cơn lũ quét. Chúng xoáy sâu vào trái tim mỗi người, khi nó đi rồi trơ lại đó là những viết thương khó liền và nỗi đau của nó đủ lớn để khiến người ta “ không đau vì quá đau”. Các nhân vật của Hà Thanh Phúc phần lớn không được đặt những cái tên mỹ miều, họ chỉ được điểm bằng các chữ cái. Ấy thế mà những chữ cái như rất dễ quên kia hóa ra lại có sức ám ảnh lạ thường. Người đọc vẫn nhớ tới các nhân vật bởi nét tính cách đặc trưng và tình yêu không nhầm lẫn của họ. Và chính điều này đã tạo nên sự gần gũi giữa tác phẩm với người đọc. những nhân vật gần như vô danh kia hình như ta đã gặp ở đâu đó, rồi đôi khi chúng ta còn phải thảng thốt : hình như Hà Thanh Phúc viết về mình.
Đọc xong truyện ta bỗng đặt câu hỏi về tác giả. Ở độ tuổi 23 thì khó có một nhà văn nào lại có những cảm nhận tinh tế mà lẽ ra nó phải được đổi lại bằng sự trải nghiệm già dặn của độ tuổi 32+ mới phải. Sự biến hóa lạ thường trong cách hành văn cộng với tài nhập vai vào nhiều nhân vật với những cảm xúc tinh tế đặc trưng của anh đã phủ lên cho cuốn truyện một ma lực kì lạ, để rồi người đọc khó có thể dứt ra khi đã cầm tới nó.
Đọc “Dựa vào vai em và khóc đi anh” để hiểu hơn về một nửa thế giới còn lại ,để biết rõ hơn về muôn sắc tình yêu- thứ và cả thế giới ca tụng nó, cũng đau khổ vì nó, và để trân trọng hơn tình yêu được trọn nghĩa mà một số người may mắn có được.