Thời gian vừa qua, nhiều trường đào tạo báo chí, giảng viên truyền thông và chương trình đào tạo báo chí đã tìm sách để giới thiệu với các nhà báo những phương thức tư duy mới mẻ, thoát hẳn lối tư duy truyền thống, trong việc xây dựng bối cảnh cho tác phẩm báo chí và tiếp cận tin tức.
Khi sách này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1997, hiện tượng biến đổi khí hậu vẫn chưa được báo chí chủ đạo quan tâm một cách đúng mức. Các đám cháy rừng ở Kalimantan chỉ mới bắt đầu được xem như là một vấn đề cấp khu vực. trữ lượng cá liên tục sụt giảm trên quy mô toàn cầu vẫn chưa được xem là mối quan ngại. Sự kiện 11/9 cũng chưa xảy ra.
Các nhà báo khi đó được huấn luyện để viết về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển, nhưng phần lớn đều không kết nối tin bài với thực tiễn rộng lớn hơn trên bình diện kinh tế và chính trị. Phóng viên quá bận rộn với việc phải tỏ ra "khách quan" mà quên mất báo chí còn có một thiên chức cao cả hơn - chúng ta cần phải đưa tin như thế nào đó về tiền đề của các xung đột chứ không chỉ đưa tin về các cuộc chiến, chúng ta cần cảnh báo trước các vụ khủng khoảng tiềm năng, và chúng ta không chỉ đơn thuần là những người dự khán mà còn cần góp sức tìm ra giải pháp.
Có một cách để khai thác có chiều sâu và trọng lượng những bài báo kiểu trên. Cuốn sách này quan tâm đến việc làm sao để nhà báo có thể, và phải gắn bó hơn với các đề tài về xung đột, môi trường, phát triển, túng nghèo, thiếu thốn, hoặc thiên tai.
Tác giả hy vọng sách sẽ khuyến khích các thế hệ nhà báo kế cận quan tâm đào sâu nguồn gốc của các cuộc khủng hoảng toàn cầu để đánh động công chúng và những nhà hoạch định chính sách. Chỉ khi chúng ta, những người làm báo thay đổi thì mới có thể khiến cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.