Phạm Duy (5/10/1921 - 27/01/2013), tên thật Phạm Duy Cẩn là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc Việt Nam với lượng sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, trong đó có rất nhiều ca khúc trở nên quen thuộc với người Việt yêu nhạc. Nhạc của ông thường kết hợp những yếu tố của âm nhạc cổ truyền Việt Nam với các trào lưu, phong cách mới, tạo nên nhiều tác phẩm có tính đột phá, giàu ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ. Ngoài sáng tác và biểu diễn, ông còn có những công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông từng giữ chức Giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Với hơn 70 năm sự nghiệp, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, Phạm Duy được coi là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Phạm Duy bắt đầu lúc ông 17 tuổi (1938), khi gia nhập gánh cải lương Đức Huy - Chariot Miều đi lưu diễn từ Bắc chí Nam với vai trò phó quản lí và ca sĩ hát lưu động. Bản nhạc đầu tay của Phạm Duy được biết đến là Cô hái mơ (phổ thơ Nguyễn Bính, 1942). Tính đến nay gia tài của ông đã có hơn 1.000 bài hát.
Chiều ngày 27/01/2013, nhạc sĩ Phạm Duy đã ra đi vĩnh viễn, hưởng thọ 93 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người hâm mộ nhạc của ông. Nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho đời một gia sản âm nhạc khổng lồ với những ca khúc sống mãi với thời gian như: Đưa em tìm động hoa vàng, Ngậm ngùi, Tình ca, Thà như giọt mưa, Bà mẹ Gio Linh, Quê nghèo, Bà mẹ quê, Kiếp nào có yêu nhau, Tình hoài hương, Nghìn trùng xa cách, Vợ chồng quê...
Tuyển tập Tình Ca Phạm Duy: Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng này là một nén hương tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa.