Nhân vật Victor Frankenstein do nhà văn nữ người Anh Mary Shelley (1797-1851) sáng tạo trong tác phẩm Frankenstein (hay còn gọi là Prometheus hiện đại) xuất bản lần đầu nằm 1818, được xem là tác phẩm khai dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nổi tiếng suốt hai thế kỷ cho đến nay.
Câu chuyện về một nhà khoa học khao khát sự bất tử tên là Victor Frankenstein đã cố gắng tìm cách ráp nối những bộ phận của những xác chết khác nhau để tạo ra một cơ thể sống, và đặt tên cho sinh vật mình sáng tạo ra là Adam. Nhưng Adam này bị coi như quỷ nhập tràng, và nổi tiếng bằng cái tên của người tạo ra hắn: Frankenstein.
Sức hấp dẫn lâu dài của Frankenstein là ở giá trị cảnh báo hiểm họa tiềm ẩn từ một xã hội công nghiệp hậu hiện đại, khi tiến bộ khoa học và công nghệ bị lạm dụng đến mức con người dường như đoạt được quyền sáng tạo của tự nhiên.
Hơn hai trăm năm trôi qua kể từ khi nhà văn Mary Shelley khai thác nỗi lo sợ ăn sâu vào tiềm thức con người về một mối mâu thuẫn dai dẳng: con người sử dụng trí tuệ làm chủ và biến đổi tự nhiên nhằm phục vụ lợi ích của mình đồng thời sợ hãi những hậu quả khó lường. Giờ đây, khi loài người chúng ta sống giữa biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng, thực phẩm công nghiệp đầy rẫy nhưng nạn đói vẫn hoành hành, những thành quả công nghệ sinh học, hóa dược kinh thiên động địa..., dường như là đúng lúc để các nhà văn đưa nhân vật Frankenstein quay lại.
Trong số các tác phẩm đương đại sáng tạo tiếp về nhân vật nhà khoa học Victor Frankenstein, Nhà xuất bản Trẻ chọn giới thiệu bộ ba tiểu thuyết Frankenstein của Dean Koontz. Victor Frankenstein của Dean Koontz chạm đến vấn đề nhức nhối đương thời: sử dụng tiến bộ công nghệ và khoa học vào mục đích phi pháp và chạy theo lợi nhuận. Giữa câu chuyện đầy kịch tính, căng thẳng và u ám về một nhà khoa học tội phạm cùng đoàn quân người-nhân tạo có năng lực phi thường do hắn tạo ra nhằm khống chế con người, nổi bật lên tình yêu và lòng can đảm đương đầu với cái ác vì một xã hội con người thuận theo tự nhiên. Khát vọng nhân tình và hướng thiện ấy là giá trị muôn đời của xã hội loài người trên hành tinh này.