Dường như đối với Khánh, thơ là “những giọt buồn biết bay”. Khi nói thế, cái buồn không còn dừng lại ở những gì cá biệt nữa mà bay đi, mà tan đi vào sương mù, vào dòng sông, vào mây khói. Cái buồn đó không bao giờ ở yên, ứ đọng mà nó cứ trôi, cứ ra đi, cứ bay, cứ rơi rụng… Ngay cả rêu cũng không phủ không phong mà là “rêu tìm cánh bay”:
"em về phố cũ rêu tìm cánh bay"
Chẳng lẽ cái buồn ở đây chính là “cái bay”? Một hình ảnh rêu lạ lùng khó tìm thấy ở đâu khác. Một mặt, thơ ca muốn chắp cánh cho rong rêu, mặt khác lại muốn cột chân những gì phiêu bồng bay lượn:
"vì ngón sầu tịch mịch
bao kiếp mong cột cọng mây
được rồi, sương khói thôi bay"
Nhưng tất nhiên, cái buồn có khát vọng bay. Nếu không, nó sẽ đánh chìm cuộc đời. Nhà thơ hiểu điều đó.