Bắt đầu từ năm 1986 Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, mở cửa, nền kinh tế nước ta từng bước chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan lieu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ đó đến nay, trải qua 30 năm, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực châu Á nói riêng, trên thế giới nói chung. Qua đó, đời sống nhân dân được cải thiện về mọi mặt, nguồn nội lực tăng lên, vị thế đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, kể từ năm 2010 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bắt đầu có biểu hiện suy giảm, từ mức trung bình giai đoạn 2001 – 2010 là 7,26% , năm 2010 là 6,42%, năm 2011 là 6,24 và đến năm 2013 chỉ còn 5,24%, mức tăng trưởng hàng năm đều không đạt kế hoạch đặt ra. Có nhiều lý giải cho vấn đề này như ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự phù hợp, chưa phát huy được các nguồn lực cho phát triển kinh tế, sau nhiều năm thực hiện tăng trưởng nhanh, chúng ta đã khai thác hết tiềm năng của mình…Và vấn đề hết sức cấp bách đặt ra là làm thế nào để có thể khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế để đạt các mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống của nhân dân.
Một trong những giải pháp để có thể khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là xác định chính xác, có sự điều chỉnh hợp lý các yếu tố động lực tăng trưởng kinh tế. Việc xác định đúng các động lực tăng trưởng sẽ giúp huy động và sử dụng tốt các nguồn tiềm năng hiện tại và trong tương lai, đưa kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam – Triển vọng đén năm 2020 do GS.TS Ngô Thắng Lợi và PGS.TS. Trần Thị Vân Hoa đồng chủ biên.
Nội dung cuốn sách đánh giá thực trạng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 – 2014 và các động lực tăng trưởng trong giai đoạn này theo khu vực kinh tế, theo ngành và theo các yếu tố đầu vào. Trên cơ sở đó, các tác giả đã đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp thiết thực điều chỉnh các động lực kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là: tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, lựa chọn chính sách phát triển sản phẩm mũi nhọn, tăng cường chính sách phát triển vùng, gắn kết khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn và bảo đảm các yếu tố nguồn lực cần thiết… qua đó bảo đảm kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững.