Cuốn sách ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC của PGS. TS Chương Thâu cho thấy, Đông Kinh Nghĩa Thục xuất hiện ở Hà Nội từ tháng 3/1907 đến tháng 12/1907 dưới hình thức một trường học hợp pháp và mở rộng hoạt động ra các tỉnh xung quanh trên các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế... như một phong trào cải cách tư tưởng văn hóa và xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Tuy chỉ tồn tại 9 tháng, Đông Kinh Nghĩa Thục đã xốc lên một phong trào yêu nước mạnh mẽ ở Bắc kỳ mà trung tâm là Hà Nội. Hoạt động công khai và nổi bật nhất của Đông Kinh Nghĩa Thục là về mặt văn hóa, có tiếng vang lan rộng khắp cả nước. Do đó, Đông Kinh Nghĩa Thục cũng đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là một trong những phong trào dân tộc- dân chủ đầu tiên trong thời đại mới, hướng tới việc giải phóng dân tộc, trước hết bằng những hoạt động có tính chất cải cách dân chủ, đổi mới tư tưởng, kết hợp với những biện pháp thực hiện cụ thể về văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế... đồng thời gắn liền với xu hướng bạo động cách mạng của Phan Bội Châu, ngọn cờ trung tâm tập hợp và chi phối các phong trào yêu nước ở đầu thế kỷ XX.
Những câu ca dao sau cho thấy dấu ấn của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã đi vào trong lòng người dân thời bấy giờ: Trường Nghĩa Thục đứng đầu dạy dỗ, Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành, Gái trai nô nức học hành, Giào sư tám lớp, học sinh non ngàn.
Cuốn sách gồm hai phần:
Phần I: Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách tư tưởng văn hóa - xã hội đầu thế kỷ XX
Phần II: Một số nhân vật tiêu biểu và tài liệu học tập, giảng dạy và tuyên truyền của Đông Kinh Nghĩa Thục