Đông Chu Liệt Quốc là một trong những kiệt tác của văn học Trung Quốc, đẫm triết lý nhân sinh, là cuốn tiểu thuyết miêu tả muôn mặt của cuộc sống với hàng ngàn nhân vật và sự kiện trải dài suốt giai đoạn lịch sử bi hùng 400 năm.
“Khởi đầu là chuyện cung cấm, đàn bà. Thế rồi nhà Tây Chu tồn tại đã bốn trăm năm trước đó chuyển thành nhà Đông Chu, bắt đầu sự hấp hối kéo dài gần bằng ngần ấy năm nữa của một vương triều với bao nhiêu thế cuộc xoay vần, hưng, suy, tan, hợp... Bắt đầu một đại bi kịch của dân tộc Trung Hoa với biết bao nhiêu "tích", bao nhiêu tình huống, số kiếp... Tất cả những gì thuộc về con người, thuộc về đối nhân xử thế hầu như đều diễn ra trong mấy thế kỷ sục sôi điên đảo ấy, gồm cả thiện, ác; dũng, hèn; trí, ngu; trung, nịnh... cả đến dâm loạn, dối trá, bịp bợm... gồm suốt cả từ tiên đến tục... khái niệm nào cũng đạt tới một trình độ khái quát rất cao, cũng đạt tới cảnh giới có thể coi như một thứ... ĐẠO hằng tồn tại giữa cuộc đời này. Đại bi kịch ấy hấp dẫn đến nỗi những đời sau không biết bao nhiêu văn nhân, tài tử đã phải múa bút xông vào để khai phá như khai phá một kho đề tài vô tận không biết cạn bao giờ. Song có lẽ người thành công nhất vẫn là Phùng Mộng Long tiên sinh với bộ Đông Chu liệt quốc chí bất hủ của ông”.