Nội dung của cuốn sách trình bày những vấn đề về cấu trúc tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của đới bờ biển Việt Nam. Đồng thời cũng nói đến những dạng thiên tai mà đới bờ biển thường phải gánh chịu. Sách gồm 2 phần 9 chương, 2 phụ lục, cùng nhiều hình vẽ, biểu bảng, ảnh minh họa, sử dụng 82 tài liệu tham khảo.
Phần I – Không gian đới bờ biển và các hệ thống tự nhiên: Giới thiệu các hệ thống tự nhiên của đới bờ biển bao gồm các hệ thống đồng bằng, hệ thống cồn đụn cát và hệ thống đồi núi ven biển; các hệ thống thủy vực đới bờ gồm đầm phá, cửa sông và vũng vịnh; cùng với hệ thống đảo ven bờ tạo nên bộ khung tự nhiên của lãnh thổ.
Phần II – Tài nguyên và tai biến đới bờ biển Việt Nam: Giới thiệu những nguồn tài nguyên nổi bật như: tài nguyên địa chất và địa mạo (bao gồm các tài nguyên khoáng sản và các di sản, kỳ quan địa chất); tài nguyên đất và nước (nước mặt, nước ngầm, nước khoáng- nước nóng); tài nguyên sinh vật; tài nguyên sinh vật thủy vực đới bờ biển (tài nguyên sinh vật đầm phá, cửa sông và tài nguyên sinh vật vũng vịnh ven bờ); tài nguyên sinh vật vùng biển Việt Nam (đó là các hệ sinh thái san hô, rong, cỏ biển và nguồn lợi cá, tôm, động vật thân mềm) và tiềm năng nuôi trồng hải sản ở Đới bờ biển. Tài nguyên vị thế, một dạng tài nguyên mới được nghiên cứu gần đây nhưng có ý nghĩa quan trọng với nhiều ưu thế về địa - kinh tế và địa - chính trị, quân sự của Đới bờ. Đồng thời giới thiệu những tai biến thiên nhiên mà đới bờ biển phải thường xuyên gánh chịu, đó là các dạng tai biến: bão và nước dâng do bão, lũ và ngập lụt dải ven biển, xói lở bờ biển, biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng.
Có thể nói cuốn sách đã cung cấp đầy đủ, khoa học những thông tin cần thiết về đới bờ biển của nước ta. Qua đó làm ánh lên niềm tự hào dân tộc về vùng biển giàu đẹp của nước ta. Đồng thời, góp tiếng nói chung vào việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên ven biển một cách hợp lý để bảo vệ môi trường biển nói riêng và bảo vệ môi trường tự nhiên nói chung.