Sự bùng nổ của “tôi” trong các tác phẩm đương đại Việt Nam phản ánh cùng lúc thay đổi của xã hội và nỗ lực của văn chương đi tìm một cơ sở mỹ học mới.
Đổi Mới năm 1986 đánh dấu sự lên ngôi ngoạn mục của cái “tôi” trong văn học. Từ thế hệ các tác giả hậu chiến như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh… cho tới các nhà văn của ngày hôm nay như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Kh., Trần Vũ, Thuận, Phong Điệp, Phan Việt, Phan Hồn Nhiên…, văn chương Việt là cuộc phiêu lưu của những cái “tôi” phản anh hùng, vô căn cước, phi bản thể. Những cái “tôi” không độc nhất cũng không đồng nhất, mờ nhạt, cô đơn nhưng đầy ám ảnh của thời toàn cầu hóa.
Bằng phương pháp phê bình hiện đại, Đoàn Cầm Thi mang đến nhiều góc nhìn khác lạ, độc đáo cho những cái "tôi" của các tác phẩm tưởng đã quen thuộc.