Tác giả đã dày công biên soạn quyển sách từ khảo sát thực tế ở các quận, huyện của thành phố Cần Thơ, thống kê các ngôi đình, nghi thức tế lễ ở mỗi ngôi đình; phỏng vấn các kỳ lão, thành viên ban tế tự và tham khảo các tài liệu của những người đi trước. Sách gồm 3 chương:
Chương 1 trình bày khái quát về đình trong lịch sử; sự hình thành và biến đổi; đặc điểm của đình Cần Thơ.
Chương 2 trình bày các tín ngưỡng, đối tượng được thờ cúng ở đình Cần Thơ gồm: Thành Hoàng; Thần linh (Bạch Mã Thái Giám, Quan Thánh Đế Quân, Lỗ Ban, Phúc Đức Chính Thần, Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ, Thần Nông, Thờ Cọp, NeakTa); Danh nhân; Các đối tượng thờ cúng khác; Thần thánh ở các tư gia gởi tới.
Chương 3 trình bày về nghi lễ cúng đình như: Lễ vật cúng; Những quy định về chọn người trao nhiệm vụ tế lễ; Các lễ chính trong lễ Kỳ yên (Lễ cúng Thần Nông, Lễ Túc yết, Lễ Chánh tế); Các nghi lễ khác trong lễ Kỳ yên ( Lễ cúng Tiên sư, Lễ thỉnh sắc và hồi sắc, Lễ cúng miễu, Lễ xây chầu).
Qua thực tế khảo sát, nghiên cứu, tác giả nhận định: Đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân Cần Thơ. Trong những dịp cúng đình, ở những ngôi đình lớn, như đình Bình Thủy thường có rất đông người dân đến tham dự. Bên cạnh đó, ngày thường tuy không đông đúc, nhưng vẫn có nhiều người từ các nơi đến cúng bái. Cho thấy, chức năng tâm linh của ngôi đình ngày nay vẫn còn nguyên giá trị - là biểu tượng tinh thần cho cộng đồng dân cư. Chính vì còn tin ở những điều thiêng liêng nên người ta vẫn còn đến với ngôi đình. Chính niềm tin đã giúp con người tìm đến điều thiện, tránh xa điều ác. Từ đó, đình còn có thêm chức năng nữa là điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội, làm cho xã hội hài hòa hơn và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.