Phong trào Tây Sơn và triều đại Tây Sơn là một hiện tượng kỳ diệu trong lịch sử dân tộc. Đáng tiếc là nó tồn tại trong thời gian quá ngắn, lại bị triều Nguyễn sau đó tìm mọi cách xuyên tạc, lấp xoá các dấu vết của nó, khiến ngày nay chúng ta có quá ít tài liệu để nghiên cứu. Công trình là một nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu các di văn ra đời trên vùng đất “nghìn năm văn hiến” dưới hai triều Quang Trung và Quang Toản, nhằm góp phần làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một phong trào nông dân khởi nghĩa lớn nhất nước ta cuối thế kỷ XVIII.
- Đối tượng phục vụ của công trình là giới nghiên cứu về Tây Sơn, về Thăng Long - Hà Nội… Bạn đọc thông thường cũng có thể từ công trình này lý giải vì sao tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ lại được dựng lên tại gò Đống Đa trên đất Thủ đô..
- Để có một tập sách mang ý nghĩa “tồn cổ” và góp phần làm sống lại nhiều mặt mà triều Tây Sơn đã cung hiến cho đất nước, công trình trước hết quan tâm đến các văn bản khắc trên bia, chuông khánh… nguồn tư liệu có độ tin cậy cao nhưng lại dễ hư hỏng, mất mát. Thứ đến là mảng sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị… trong “trí thức Bắc Hà” đã đồng hành cùng phong trào Tây Sơn, thể hiện qua các bài biểu, thư, thơ, phú, văn tế… của họ. Và cuối cùng là những bài dụ, chiếu, sắc của các vua Quang Trung, Quang Toản liên quan đến con người, sự việc… ở “Bắc Thành”. Từ đây, ta hiểu được mối quan hệ hai chiều giữa Tây Sơn và Thăng Long - Hà Nội.