Đêm Nay Con Có Mơ Không?
Không “đao to búa lớn” để làm nên sự vĩ đại, từng mẩu chuyện nhỏ mà Trương Gia Hòa mang đến cho bạn đọc đôi khi chỉ là những ghi chép tỉ mẩn của một bà mẹ công chức “bỉm sữa” yêu con, vừa đi làm, vừa vén khéo chuyện nhà; là nỗi nhớ nhung xa xôi của một người luôn hướng về gia đình lớn, cội rễ để mình đâm chồi, nảy lộc. Là những băn khoăn của một thị dân trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại...
Tất cả, phác thảo nên một Trương Gia Hòa nhiều ưu tư, nhiều trăn trở nhưng vẫn hết sức hồn nhiên, tin yêu....Hiện thực cuộc sống, dù đáng chán thế nào, chị cũng tìm một góc nhìn khác, để thấy rằng những giá trị nền tảng trong văn hóa, đời sống, ứng xử... của người Việt chưa hoàn toàn mất đi, nếu chúng ta biết gìn giữ, dung hòa. Sự chậm rãi bảo bọc truyền thống nơi người già và cái vô tư, thời thượng của người trẻ mà Trương Gia Hòa mang đến cho bạn đọc chứa đủ cả vui lẫn buồn.
Theo dõi những dòng tự sự của tác giả, người đọc sẽ thấy ai cũng có một chốn náu nương không gì có thể thay thế được: gia đình. Với Trương Gia Hòa, đó là bàn tay ve vuốt của bà nội, là những câu hỏi quan tâm lạc thời: Bay được tăng lương chưa, chồng con bay có ngoan không...
Tình yêu thương thể hiện một cách mộc mạc ấy chính là những liều thần dược mà cô được tiêm vào máu thịt sau mỗi bận rã rượi với những bon chen, rời phố thị, trở lại quê nhà. Vượt xa hơn những thân tình diễn ra dưới mái tranh quê, chợt nhận ra, không quá khó để thích nghi với những áp lực, chật chội, bức bối... của phố thị, nếu biết chọn một cách nghĩ, cách sống phù hợp, và lành, như Trương Gia Hòa.