“Một quyển sách đặc biệt sáng rõ, trình bày hai trường phái lớn của chủ nghĩa tự do. Có thể trao tác phẩm dễ đọc và có sức thuyết phục này vào tay mọi người.” (Alternatives économiques)
“… Việc trình bày rõ ràng những trường phái lớn của trào lưu tự do khuyến khích bạn đọc tiếp tục suy tưởng bằng cách tự mình tìm đọc những văn bản lớn được tác giả làm rõ một cách xác đáng.” (Le Monde)
Quyển sách này bàn về một dự phóng chính trị gọi là “chủ nghĩa tự do”. Bằng cụm từ này chúng tôi muốn nói đến dự phóng tổ chức xã hội được đề xuất trong nửa sau thế kỉ XVIII bởi Adam Smith và David Hume ở Anh, Turgot và Condorcet ở Pháp, Jefferson ở Mĩ, Humboldt và Kant ở Đức, v.v. Đây là một dự phóng xã hội chủ trương một không gian rộng cho tự do cá nhân, tự do kinh tế, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, v.v.; một không gian tự do rộng hơn rất nhiều không gian từng được yêu sách trong quá khứ gần đó.
Dự phóng này (với phần thiết yếu của các cuộc tranh luận và học thuyết đi kèm) đã, và vẫn tiếp tục còn ảnh hưởng lớn đến những ý tưởng mà các nhà cải cách hình dung một “xã hội tốt” phải như thế nào. Đặc biệt dự phóng là nguồn cảm hứng cho các cải cách mà Turgot đã thử nghiệm trong thời gian ngắn ngủi từ 1744 đến 1776 ở cương vị bộ trưởng (bãi bỏ lao dịch, tự do lưu thông ngũ cốc, bãi bỏ các ban quản lí phường hội), các cải cách mà cuộc cách mạng Pháp đã thực hiện trong giai đoạn ôn hoà của nó từ 1789 đến 1791 (bình đẳng về thuế, bãi bỏ thuế quan trong nội địa, v.v.), các thể chế mà một vài trong số mười ba thuộc địa Anh ở Hoa Kì đã thiết lập sau khi giành được độc lập năm 1776 (hiến chương liệt kê các quyền con người, v.v.) cũng như cho các cải cách chính được tiến hành tại Anh sau khi các cuộc chiến tranh của Napoléon kết thúc (đạo luật mới về người nghèo Poor Laws, bãi bỏ luật ngũ cốc Corn Laws, v.v.)
Trong mọi thời kì của lịch sử, con người đã bàn luận về phạm vi cần phải có cho sự tự do. Người ta đã tự hỏi rằng tự do này hay tự do kia là tốt hay xấu, rằng nên trao tự do đó cho nhóm người này hay nhóm người khác. Đó là trường hợp của các cuộc tranh luận lớn ở Tây Ban Nha trong thế kỉ XVI để, chẳng hạn, quyết định thổ dân Da đỏ ở châu Mĩ được có quyền sở hữu hay không, hay các cuộc tranh luận ở Anh và Pháp trong thế kỉ XVII để xét xem là tự do lập luận ủng hộ thuyết vô thần có nên thuộc về khái niệm tự do ngôn luận hay không. Chẳng hạn, Locke không nghĩ rằng phải mở rộng tự do ngôn luận đến thế.