Văn hóa, đặc biệt là các giá trị của nó, có những mối quan hệ thiết yếu với quyền con người, trong đó có quyền văn hóa. Cuốn sách “ Đa dạng văn hóa và quyền văn hóa ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Thanh Tuấn đã trình bày một cách tổng quan nhưng hết sức chi tiết sự đa dạng của văn hóa Việt Nam nhưng rất giàu bản sắc dân tộc và qua đó một lần nữa khẳng định mối quan hệ mật thiết của văn hóa với quyền con người và quyền văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Cuốn sách được chia làm 5 chương.
Chương 1: Mối quan hệ giữa đa dạng văn hóa và quyền văn hóa. Trong chương này tác giả đi sâu vào phân tích nguyên nhân dẫn đến sự đa dạng của văn hóa, mối quan hệ giữa đa dạng văn hóa và quyền văn hóa. Tác giả lý giải: Văn hóa có những thuộc tính đặc thù, đời sống của các dân tộc, quốc gia đều diễn ra và thông qua một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Môi trường sống tự nhiên và xã hội của chúng là rất khác nhau. Trải qua thời gian biến đổi, con người ở các vùng (miền) khác nhau, các dân tộc, các quốc gia khác nhau tất yếu phải có sự phát triển khác nhau về ý thức và tâm lý, ngôn ngữ và chữ viết, phong tục tập quán và lối sống, nghệ thuật và khoa học, tín ngưỡng và tôn giáo,giao lưu và hội nhập...Tất cả đều vận động và phát triển thông qua những đặc tính riêng, nói cách khác, tất cả đều vận động, phát triển trong và thông qua sự đa dạng văn hóa.
Chương 2 và chương 3 giới thiệu sự đa dạng của đời sống văn hóa vùng và đời sống văn hóa các dân tộc trên cả nước. Trong hai chương này tác giả phân tích “vùng” ở đây được hiểu là một khu vực địa lý, như vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gắn với một cấp hành chính nhà nước. Sự đa dạng văn hóa tộc người gắn với vùng lãnh thổ sẽ tạo nên sự đa dạng văn hóa vùng.Việc đánh giá các vùng văn hóa nước ta cần thiết phải xuất phát từ các phương diện tiếp cận như văn hóa làng; “tam giáo đồng nguyên”; trình độ kinh tế-xã hội; mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và bác học; không gian lãnh thổ.... Đặc biệt, cách tiếp cận từ đời sống văn hóa các dân tộc có một vị trí rất quan trọng. Cách tiếp cận này thể hiện ở sự đa dạng của đời sống các vùng văn hóa như: vùng văn hóa Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Trường Sơn-Tây Nguyên, Đồng Nai-Gia định (Đông Nam Bộ) và Cửu Long.
Chương 4 có tiêu đề “Sự đa dạng mà thống nhất của nền văn hóa và quyền văn hóa ở Việt Nam”. Trong chương này tác giả phân tích và lập luận một cách chặt chẽ rằng “nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa đa dạng mà thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự đa dạng đó không dẫn đến phân ly, mà là làm phong phú và củng cố sự thống nhất của nền văn hóa quốc gia Việt Nam thông qua sự đa dạng dân tộc và văn hóa vùng”. Các nhân tố văn hóa này ngày càng gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội của con người thuộc các dân tộc (tộc người) về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, và biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển con người cũng như phát triển văn hóa. Đó là biểu hiện và cũng là kết quả quan trọng nhất của sự thống nhất về văn hóa.
Những giá trị văn hóa truyền thống đã và đang tác động vào quá trình bảo đảm, bảo vệ và thực hiện quyền con người nói chung và quyền văn hóa nói riêng ở Việt Nam như: tính cộng đồng tình nghĩa, tính ưu trội của phong tục tập quán và văn hóa dân gian nói chung, sự qui chiếu của ý thức, tình cảm quốc gia-dân tộc. Tác giả cũng chỉ ra rằng những biểu hiện phong phú của quyền văn hóa hiện nay ở Việt Nam như: Quyền được học tập để bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghề nghiệp và giá trị làm người, nhất là khả năng sáng tạo, quyền được tiếp nhận thông tin, kiến thức khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, quyền được sáng tạo văn hóa nghệ thuật, quyền được giữ gìn và phát huy hệ giá trị của bản thân, cộng đồng, của dân tộc và đất nước.
Chương 5 có tiêu đề “Bảo vệ và thực hiện sự đa dạng mà thống nhất quyền văn hóa hiện nay ở Việt Nam”. Trong chương này tác giả đã chứng minh thời gian qua công tác bảo đảm, bảo vệ và thực hiện quyền con người nói chung, quyền văn hóa nói riêng ở Việt Nam đã tiến được một bước dài rất quan trọng. Trên cơ sở mức sống được cải thiện, điều kiện được đảm bảo, bảo vệ và thực hiện quyền văn hóa nói riêng, và quyền con người nói chung được nâng cao đáng kể như: Quyền được sống trong độc lâp, tự do; quyền tự do tín ngưỡng; quyền tự do ngôn luận v.v... Bên cạnh đó, Quyền văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm giữ gìn và phát triển, việc khai thác các thể loại văn hóa dân gian của các vùng văn hóa và việc tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc tại các vùng khác nhau, đã và đang thúc đẩy sự phát triển đa dạng các loại hình văn hóa của đất nước. Quyền văn hóa của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã được chú ý để họ có thể tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa như tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn một số vấn đề bất cập mà tác giả nêu ra cần sớm khắc phục để quyền con người nói chung và quyền văn hóa nói riêng ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện: mức hưởng thụ văn hóa, giáo dục, y tế... còn chênh lệch khá cao giữa đồng bằng với miền núi, hải đảo, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, so với các vùng khác trong nước, đặc biệt quyền bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số còn chưa đầy đủ và phiến diện; Vấn đề lý luận về nhân quyền và quyền con người trên thế giới cũng chưa được nghiên cứu sâu sắc; Việc nghiên cứu các công ước quốc tế về quyền con người còn nhiều bất cập, nhất là cách thức chuyển hóa hay“nội luật hóa”các qui định về quyền con người trong các công ước quốc tế mà Việt nam đã ký kết. Đồng thời, tác giả đã chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế đó và nêu lên một số kinh nghiệm.
Tóm lại, đây là cuốn sách rất bổ ích cho những ai quan tâm đến vấn đề văn hoá, đặc biệt là vấn đề Quyền văn hóa ở Việt Nam hiện nay.