Cuộc đời vui quá, không buồn được” là một câu do Trần Nhã Thụy mượn từ nhà thơ Tuân Nguyễn để đặt tên cho tập tản văn vừa xuất bản của anh. Cái tên ấy cũng gói ghém trong các bài viết ngắn nhiều nỗi niềm riêng, chung của tác giả trong dòng chảy cuộc sống đô thị ồn ào và hoài niệm về ký ức làng quê.
Nếu ví nôm na các bài viết ngắn trong là những bức ảnh chộp lại nhiều khoảnh khắc đó đây trên bước đường đời rong ruổi của Trần Nhã Thụy, độc giả có thể hình dung người nhiếp ảnh gia này không ngần ngại bày ra những góc đẹp tinh tế lẫn những góc bụi bặm, buồn bã và xù xì của cuộc sống.
Trần Nhã Thụy chia sẻ với độc giả niềm vui khi phát hiện thảm hoa mười giờ đỏ tươi mọc ở một khu gần một đại lộ ầm ĩ xe cộ ngày đêm. “Một đám hoa mười giờ đỏ thắm xuất hiện, như muôn vàn dấu son bất ngờ in xuống”, những câu chữ tươi tắn reo trên trang viết như ấp iu giây phút lãng mạn hiếm hoi còn sót lại, không phải ở ngoại cảnh, mà là chính trong tâm hồn con người.
Trên một trang viết, anh dẫn người đọc về miền thơ ấu – thời tuổi trẻ của mình, với tiếng đập vui tai con heo đất no ú mỗi khi xuân về, với món bột mì nhứt chấm mắm nêm ăn xúm xít bên bạn bè thời nghèo khó, với con trâu, cánh đồng, dòng sông, bụi cỏ hoa đượm mùi thơm rơm rạ… Thì cũng thoắt đó, trên trang viết khác, không gian thị thành xô ùa trên con chữ với ngột ngạt, dồn nén, với trăn trở, suy tư. Đến bao giờ để một thành phố ngập lụt vì mưa, đường sá hư hỏng, lô cốt mọc chằng chịt, nơi hàng bao triệu người đang sống và nhiều thế hệ đang lớn lên – đang già đi có thể trở thành một đô thị tinh tươm, ngăn nắp? Tại sao lòng tham, sự hoài nghi và mất lòng tin ở con người vẫn ngang nhiên tồn tại chính ở nơi được xem là thiền tịnh và bao dung như chốn chùa chiền? Nhiều câu hỏi như thế ẩn sau các câu chuyện kể của Trần Nhã Thụy.
Đọc tản văn của Trần Nhã Thụy, vừa hiểu thêm tâm tư của một người cầm bút, vừa thấy yêu thêm cuộc sống, như lời tác giả tâm sự “viết để nhớ lại một thời áo trắng đơn sơ, hồn nhiên mà biết bao nỗi niềm”, “cảm nhận niềm vui và nỗi buồn cùng len nhẹ vào hồn mình”.