Nấu ăn không đơn thuần chỉ là việc nhà, mà nó còn là những bài học về kỹ năng sống, về tình cảm gia đình.
Đứng ở góc độ khoa học, khi những đứa trẻ tham gia vào các công việc gia đình, trong đó có nấu nướng thì chúng có nhiều khả năng để hoàn thành tốt công việc học hành của mình hơn, có nghề nghiệp thành công hơn và có mối quan hệ tốt với những người xung quanh.
Xét ở góc độ tình cảm gia đình, học nấu nướng là cách để hiểu tầm quan trọng của bữa ăn gia đình, là cơ hội để trẻ thêm yêu thương gia đình. Đặc biệt, việc vào bếp sẽ giúp kéo trẻ rời khỏi màn hình ti vi, trò chơi điện tử trên điện thoại, máy tính bảng… để trẻ được sống với thế giới thực sinh động và đầy màu sắc.
Tập cho trẻ nấu ăn ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng tốt:
* Ở giai đoạn từ 1 – 2 tuổi, trẻ thích tìm tòi, khám phá, nên chúng ta có thể dạy trẻ nhận biết rau – củ – quả, nhận biết các dụng cụ làm bếp, chơi trò hỏi đáp với trẻ xem đây là cái gì, màu gì, dùng để làm gì… Đây là cách để dạy trẻ ghi nhớ.
* Ở giai đoạn từ 3 – 4 tuổi, trẻ hứng thú với việc ăn uống hơn, có thể cho trẻ tự làm một số việc như: bóc trứng, rót nước, dầm hoa quả để uống, miêu tả mùi vị, hình thù… của đồ ăn.
* Ở giai đoạn từ 4 – 5 tuổi, thường trẻ sẽ rơi vào tình trạng biếng ăn, vì vậy phải cho trẻ thường xuyên học nấu ăn cùng các bạn, các anh chị trong gia đình, tạo điều mới lạ giúp trẻ hứng thú trong bữa ăn.
* Ở giai đoạn từ 6 – 7 tuổi, trẻ đã hình thành rất nhiều sở thích của mình, vì vậy hãy dạy cho trẻ tự làm những món ăn yêu thích như đồ ăn vặt, những món ăn đơn giản…
* Khoảng thời gian từ 8 – 11 tuổi, trẻ đã biết tự dùng các dụng cụ nhà bếp, tự biết chuẩn bị bữa ăn, vậy hãy cho trẻ tự chuẩn bị đồ ăn để mang tới trường, tới nơi cắm trại và tự quyết định thực đơn để cân bằng bữa ăn.
Cùng con vào bếp – Những chia sẻ cùng các bậc phụ huynh về những lợi ích khi trẻ được cùng vào bếp, đồng thời gợi ý một số món ăn đơn giản để cùng trẻ thực hiện mỗi khi có điều kiện.