Độc giả Việt Nam hẳn đã không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Hữu Tài – anh chàng nhà văn Việt bôn ba đất Mỹ 15 năm trời, đau đáu hướng về quê nhà với những tập truyện ngắn, những tập tản văn đậm thổn thức dành cho nỗi nhớ nhung không nguôi của một đứa con xa xứ.
Sở hữu 6 đầu sách, Nguyễn Hữu Tài cũng dành chút ít đất văn của mình cho nơi mình đã gắn bó hơn chục năm qua – nước Mỹ. Cũng nhiều thương yêu, đầy day dứt, theo cái cách một gã đàn ông ít dám nhận mình yếu mềm. Nhưng, từ cái giọng văn thật đến như thẳng tuột, đến những ngôn từ không chút phôi pha, Hữu Tài luôn làm sống lên một tâm hồn Việt Nam ở từng câu chữ anh viết. Với Hữu Tài, mọi nơi anh đi qua, anh rồi cũng chỉ là khách, chỉ có quê nhà là nơi anh có thể tìm về – tìm một nơi náu mình yên ổn giữa biển đời quá chật, quá vội.
Chút gì đó ma mị pha giữa những dung dị anh nuôi dưỡng cho mình trên những câu chuyện rất thật, trên những lời tâm sự rất thê thiết khiến mọi thứ mờ ảo hơn, khó nhìn hơn, khó thấu hơn nhưng đặc biệt lại dễ cảm vô cùng. Trên hết, “Còn lại gì cho nhau” lần này như một lời tri ân Tài dành cho những con người đã cùng anh đi qua những yêu thương mà cuộc đời ban tặng.
Tài chia sách ra thành 3 phần – chuyện của đời, chuyện của người và chuyện của mình. Nhưng, dường như trong từng câu chuyện nhỏ, cho dù là của đời, của người, hay của riêng anh, thì cái chất Hữu Tài đầy phóng khoáng, đậm thiên di, nặng nợ ân tình tự hứa phải trả vẫn luôn nằm ở đó. Đó là điểm nhấn riêng mà Hữu Tài đã vô tình xây dựng cho mình, bằng một trái tim luôn khát chữ, trên cơ thể luôn khát tìm bước về với quê nhà, với những yêu thương mà anh có thể tự cam đoan rằng không từng vụ lợi, để một lần, Hữu Tài rút ruột gan của mình ra mà viết, mà trả cho người, trả cho đời, trả cho chính anh...
“Khi người ta hết trẻ” là một nốt trầm khá tròn trịa mà Hữu Tài khéo léo đặt vào góc tác phẩm của mình, như một lời tự bạch, rằng, anh không còn đủ sức trẻ để mà thiên di nữa. Để rồi khi xa xứ, sau những chuyến bay dài, sau những cuộc tình vội vã, gã trai ôm mặt tự hỏi: Có còn chút gì cho nhau nữa không?
Vốn chưa từng và cũng không thể bao giờ phô trương, nên Tài dặn người đọc cẩn thận nếu đang thất tình hoặc nếu đang cô đơn, như kiểu nhắn nhủ trước rằng, trái tim anh còn nhiều buồn lắm, nợ ân tình nay trả cũng chắc không vui. Nhưng, sự thật, đối diện với hơn hai trăm trang sách của Tài, thẩm thấu những thương yêu Tài cố gửi trả – mà tự anh không biết sẽ trả đến tận bao giờ – con người ta sẽ không chênh vênh, ít cô đơn hay hờn tủi. Bởi, “Còn lại gì cho nhau” thừa lắng, đủ sâu để độc giả chạm đến những giao hòa yêu thương – mong nhớ – đợi chờ mà người với người vốn sẵn sàng cho đi, chỉ là, chưa đúng lúc.