Mọi người dân Việt Nam đều đã từng nghe hai từ “Côn Đảo” và hiểu Côn Đảo là một nhà tù, đi Côn Đảo là đi đày. Côn Đảo gắn liền với hầm xay lúa, chuồng cọp, khu biệt lập, chuồng bò, cầu Ma Thiên Lãnh… những địa danh nổi tiếng bởi sự tàn bạo và độc ác của thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Nói đến Côn Đảo ai cũng có thể hiểu đó là “địa ngục trần gian”, là nhà tù khổng lồ, là biểu hiện theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng về sự tàn ác dã man, thâm độc mà trí tưởng tượng của con người bình thường khó có thể nghĩ ra để đày đoạ đồng loại cả về thể xác lẫn tinh thần. Đối diện với những đòn tra tấn dã man, tàn khốc của kẻ thù là những chiến sĩ cách mạng với tinh thần quật cường, ý chí bất khuất kiên trung, thà chết vinh còn hơn sống nhục, sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Hàng ngày cận kề với cái chết bất cứ lúc nào, nhưng những người tù cộng sản luôn tràn đầy lạc quan, khát vọng vượt ngục để tìm về với tự do, được tiếp tục sát cánh chiến đấu cùng đồng đội trong lòng Tổ quốc. Đã có nhiều cuộc vượt ngục của nhiều chiến sĩ cách mạng, nhưng quy mô nhất phải nói đến cuộc vượt ngục Bến Đầm năm 1952.
Qua những dòng hồi ức giản dị, không cường điệu của những người trong cuộc, mọi tình tiết của cuộc vượt ngục được hiện lên rõ nét trong mắt người đọc qua cuốn sách Côn Đảo anh hùng biển Đông dậy sóng.