Truyện ngắn hay nhất cũng chính là tác phẩm mà nhà văn Nguyễn Quốc Trung lấy tên đặt cho cả tập truyện và sắp xếp ở vị trí đầu tiên Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu. Phía sau hào quang một công trình lớn hiện đại mang tính tiến bộ của xã hội, khơi nguồn cảm hứng sống cho cả vùng châu thổ đồng bằng giàu tiềm năng, nhà văn phát hiện đằng sau đó những góc khuất số phận trớ trêu bị đánh văng ra khỏi đời sống bình thường. Nhiều người hưởng lợi từ công trình, nhưng cũng có những người trở thành nạn nhân vì bị cách ly khỏi ruộng vườn, không tìm được và thích nghi với nghề nghiệp mưu sinh khác.
Nhân vật chính trong truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu là Út Lỡ, một thôn nữ xinh đẹp, dù gia đình có nhà cao cửa rộng trên phố nhờ số tiền đền bù giải toả từ công trình cầu Rạch Miễu nhưng cô phải sớm bỏ học trôi dạt lên TP. Hồ Chí Minh làm công cho quán ăn, rồi hành nghề mại dâm. Trong nỗi uất nghẹn, Út Lỡ đã tỏ bày: “Một gia đình làm ruộng, làm vườn, đẩy lên ở phố, cứ như cá quăng lên khỏi nước, như chim lạc khỏi rừng! Nhà cao cửa rộng nhưng chẳng có việc làm để sống, vậy là lâm vào cảnh đói, anh hai tôi la cà suốt ngày ở quán cà phê, sinh ra nghiện ma tuý, má tôi sốc mà chết, ba tôi buồn quá lấy rượu giải sầu, trong nhà lúc nào cũng nhao lên tiếng quát mắng của ba, tiếng văng tục chửi thề của người anh. Tôi cảm thấy chán nản, phải bỏ học ngang chừng để kiếm sống”.