Bùi Thị Như Lan là một nữ nhà văn quân đội hiếm hoi của làng văn dân tộc thiểu số Việt Nam. Sở trường của chị là truyện ngắn. Chị cũng có thử sức mình ở thể loại tiểu thuyết, và ngay tiểu thuyết đầu tay – Chuyện tình Phjia Bjoooc, đã đạt được những thành công nhất định.
Chuyện tình Phja Bjooc có thể coi là chuyện của núi rừng. Nhân vật chính là những người phụ nữ dân tộc Tày ở một địa phương cụ thể – bản Nộc Nhùng, xã Pù Nhài, huyện Pó Liểng (dĩ nhiên là đã hư cấu), vùng Mường Vang. Mười chín chương của tiểu thuyết xoay quanh những câu chuyện tình của mấy thế hệ phụ nữ bản Nộc Nhùng với nhiều chia ly, chờ đợi, mất mát. Mỗi một cặp vợ chồng ở bản nhỏ này là một câu chuyện tình sinh sắc nơi miền rừng núi.
Chuyện của núi rừng không đơn thuần chỉ là chuyện trai gái, tình yêu, buồn vui hờn giận, đợi chờ, ghen tuông, trách cứ, hiểu lầm lẫn nhau đôi khi xót xa. Còn có cả những chuyện mà ở đâu cũng có thể xảy ra – chuyện lao động sản xuất, chuyện bắn máy bay Mỹ, bắt biệt kích, chuyện đam mê quyền lực, chuyện oan trái, chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện vô tình hay hữu ý hại nhau… Chuyện người chết và người sống.
Chuyện của núi rừng dĩ nhiên trước hết là chuyện của con người. Nhưng cũng là những câu chuyện của bà mẹ thiên nhiên hùng vĩ. Thiên nhiên trong cuốn tiểu thuyết này cũng được Bùi Thị Như Lan xây dựng như là một nhân vật, một nhân vật có ý nghĩa tượng trưng cho cái đẹp – cái cao cả – cái trác tuyệt. Đó cũng chính là một trong những điểm sáng của cuốn tiểu thuyết này.