Rất nhiều sách báo đã nói những cống hiến to lớn của Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Phó thủ tướng, nhà thơ Tố Hữu và nhiều chính khách nữa. Nhưng với cuốn sách “Chuyện tình của các chính khách Việt Nam”- do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, có thể nói lần đầu tiên người đọc sẽ biết thêm về những câu chuyện riêng tư của họ, về những mối tình rất đẹp, lãng mạn hòa lẫn lý tưởng cách mạng của những chiến sĩ ưu tú của cách mạng Việt Nam…
Đó là những mối tình trong sáng, nồng nàn mà cảm động. Và khi đọc cuốn sách “Chuyện tình của các chính khách Việt Nam”, ta dễ thấy, một điểm chung của các chính khách ấy là tình yêu đôi lứa luôn hoà trong lý tưởng của cách mạng.
Những chiến sĩ ưu tú của cách mạng Việt Nam - nhân vật chính của cuốn sách, mỗi người mỗi hòan cảnh, nhưng song hành với cuộc đời và sự nghiệp của họ đều có hình ảnh của người vợ thủy chung hết lòng vì chồng con.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh trường kỳ, gian khổ và ác liệt, người bạn đời của các chính khách dù cũng rất bận việc công nhưng họ vẫn đảm đương một cách xuất sắc công việc gia đình để chồng yên tâm công tác mà hòan thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng bí thư Lê Hồng Phong gắn liền với người bạn đời, người đồng chí cộng sản kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai. Trong bức thư cuối cùng gửi cho người chồng trước khi bị giặc Pháp kết án tử hình, bà vẫn luôn động viên chồng: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, chung thủy với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy”.
Người em gái của bà - liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái cũng có một mối tình thật đẹp với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì hoàn cảnh lúc đó, họ phải gửi Hồng Anh- cô con gái đầu lòng của đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê nội Quảng Bình để hoạt động cách mạng. Nguyễn Thị Quang Thái bị mất trong nhà lao Hỏa Lò mà không được gặp chồng và con gái lần cuối. Trong trận chiến đấu chống thực dân Pháp giải phóng cho dân tộc, đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nỗi niềm riêng: trả thù cho người đồng chí, người vợ thân yêu đã hy sinh khi còn rất trẻ.
Sự nghiệp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng có phần đóng góp không nhỏ của người vợ đảm đang, bà Ngô Thị Huệ. Vì điều kiện công tác, ông phải xa nhà triền miên, cuộc sống gia đình luôn trong cảnh người Nam, kẻ Bắc. Một mình bà Bảy Huệ lo quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái để ông yên tâm công tác. Cho đến khi nghỉ hưu ông bà mới có những giờ phút êm ả bên cạnh con, cháu.
Với chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, tình yêu của ông với nhà văn Nguyệt Tú- tác giả của cuốn sách lại được nảy nở trong quá trình hoạt động cách mạng.
Trong ngày cưới của mình, ông nói với vợ: “Từ khi làm cách mạng, anh đã nhìều lần lấy vợ giả, để che mắt mật thám. Lần này mới lấy được vợ thật”.
Chuyện tình của nhà thơ, Phó thủ tướng Tố Hữu với bà Nguyễn Thị Thanh vẫn đầy lãng mạn trong hoàn cảnh cực kỳ gian khó của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ “Việt Bắc” ông viết sau khi hòa bình lập lại năm 1954, có gửi gắm trong đó nỗi nhớ người vợ thủy chung trong sự lưu luyến chung của mọi người khi chia tay với căn cứ địa Việt Bắc.
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông, nhớ nguồn.
Vì bận công tác, nhà thơ ít có những bài thơ riêng tặng vợ nhưng giữa dòng thơ cách mạng, ông dành cho bà những câu thơ tình rất hay:
Trái tim anh đó
Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu.
Và còn nhiều câu chuyện tình yêu khác nữa mà cuốn sách giới thiệu. 12 bài viết là 12 câu chuyện riêng tư, thầm kín nhưng đầy xúc động của những chính khách Việt Nam - những người có thể quên mình vì công việc nhưng trong cuộc sống đời thường, họ giản dị và một mực thương yêu vợ con như bao người khác.