Là người hiểu biết sâu sắc và tinh tế, lại chịu khó quan sát xung quanh tác giả Phạm Quang Long đã đặt ra nhiều vấn đề mang tính khái quát, lâu dài có tầm vóc quy mô và cả những ứng xử nhỏ trong phạm vi hẹp, nhưng đầy đủ nội hàm của văn hóa qua các bài viết của mình. Nhưng chuyện đề dù lớn hay nhỏ, ngôn từ nghiêm cẩn sâu cay hay pha chút hài hước giễu cợt thì bạn đọc vẫn dễ dàng nhận ra tấm lòng chân thành đầy vị tha nhân ái luôn đau đáu với cuộc đời và với con người của ông qua từng con chữ.
Văn hóa là nền tảng tinh thần, thể hiện tầm cao, chiều sâu trí tuệ và trình độ phát triển của một xã hội. Đồng thời, văn hóa cũng thể hiện bản sắc và truyền thống của một dân tộc. Nói văn hóa chính là nói đến con người, con người vừa là chủ thể vừa là mục tiêu hướng đến của văn hóa. Mọi nỗ lực phát triển văn hóa đều nhằm xây dựng con người hoàn thiện, sống hạnh phúc trong một xã hội tốt đẹp. Trong thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, cuộc chạy đua lớn là cuộc chạy đua về trí tuệ trong xây dựng nền kinh tế tri thức để tạo ra của cải dồi dào cho xã hội mà không quên nâng niu, gìn giữ hệ thống giá trị tinh thần quý báu, không gian sống, hồn cốt của đất nước của dân tộc - nhất là với thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Việc chuẩn bị một hành trang đủ cho hội nhập để mình vẫn còn là mình chính là bản lĩnh dân tộc, là nhân cách văn hóa thật sự hết sức cần thiết. Hơn ai hết, mỗi người dân Hà Nội phải ý thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm của mình để sống cho xứng đáng với danh hiệu Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Từng ngày, từng người bằng những việc làm cụ thể động viên mình động viên người sống tốt đẹp và lan tỏa đến tất cả tình yêu thương con người và cuộc đời.