Qua những trang viết trong Chuyện nhà quê, ông phơi bày tật xấu của các nhân vật một cách không thương tiếc. Lối viết "khẩu văn" đặc trưng của bọ Lập có thể khiến người đọc lần đầu tiên tiếp xúc những tác phẩm của ông có đôi chút choáng ngợp với những suy nghĩ về con người, cuộc sống được bộc lộ một cách rất thành thật và hồn nhiên, chẳng hề ngượng ngùng hay cố gắng hoa mỹ.
Chẳng hạn như ở truyện ngắn Anh hờ hờ, tác giả dám đưa cả bản thân mình và những tên tuổi khác vào làm nhân vật như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khải… Cả câu chuyện là để phê phán thói hư vinh, xem trọng danh vọng hơn bản chất nghệ thuật của anh Hờ Hờ. Tác giả can đảm tự phê phán thói xấu của chính mình qua một chi tiết trong truyện: khi biết ai về nhà anh Hờ Hờ cũng được đãi cỗ linh đình, ông cũng mong muốn được anh Hờ Hờ mời về nhà và khi có cơ hội đó, ông đã nhận ngay lập tức. Tinh thần tự phê phán đó khiến người đọc phần nào nhớ đến Trung Trung Đỉnh vì ông cũng nhiều lần tự phê phán bản thân qua những truyện ngắn có nhân vật chính như đang đại diện cho chính bản thân mình.
Trang viết của Nguyễn Quang Lập cũng không thể thiếu chất hài hước, trào phúng. Đọc hết một truyện ngắn của ông, thường người ta tìm thấy sự châm biếm ẩn sau cuối mỗi câu chuyện. Như trong Ký ức năm hào, ở đầu truyện, có thể người đọc sẽ chỉ nghĩ đây là hồi ức dễ thương, có phần hài hước của một cậu bé về lần đầu tiên khi cậu kiếm được năm hào và nâng niu nó như thế nào. Cậu có phần tự mãn về bản thân mình khiến chúng ta chưa thấy rõ sự tự châm biếm mỉa mai, nỗi buồn của cậu. Chỉ đến tận cùng, câu chuyện mới đột ngột chuyển hướng. Tiêu biểu cho kiểu cấu trúc này là những truyện như: Thằng sứt môi, Chuyện tình anh cu Đom...
Chuyện nhà quê còn là mảng hồi ức khó quên của một người con khi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Làng phố trong văn của bọ Lập có sự kết hợp giữa cái bần cùng, chất phác của làng với cái ồn ào, xô bồ của phố. Sự nhạy cảm vốn có của một nhà văn nhiều kinh nghiệm sống giúp Nguyễn Quang Lập viết nên những trang viết rất đời. Ông trăn trở trong từng câu chuyện và nhân vật thể hiện cái nhìn thương cảm trước những tha hóa, đổi thay của con người, của thời cuộc.