Cuốn sách ra đời từ ý tưởng ban đầu là ghi chép lại những câu chuyện có thật trong quá trình công tác của nhóm tác giả vốn là những người đã từng làm việc lâu năm trong ngành ngoại giao, trưởng thành từ những công việc bình thường nhất trong nghề ngoại giao, sau đó đảm trách nhiều cương vị công tác quan trọng khác nhau, suốt đời gắn bó với cái nghề, cái nghiệp ngoại giao bằng cả trái tim và khối óc của mình.
Ông Vũ Khoan, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng tác giả cuốn sách chia sẻ: “Cuốn sách không nhằm viết “lịch sử” hay “giáo trình” ngoại giao Việt Nam hoặc hồi ký mà chúng tôi chỉ muốn kể lại những câu chuyện về người thật, việc thật, những thực tế trong công việc chúng tôi đã làm để góp phần làm cho mọi người, không chỉ thế hệ làm ngoại giao đi sau, mà còn những người không làm nghề, hiểu cho phần nào chuyện “bếp núc” ngoại giao, những nỗi khổ chúng tôi đã trải qua trong nghề nghiệp của mình.”
Với hơn 500 trang viết, cuốn sách được chia thành từng phần riêng biệt của mỗi tác giả nhưng vẫn được liên kết chặt chẽ với nhau, tác giả này bổ sung, minh họa cho tác giả kia, tạo nên một bức tranh sinh động và đa chiều về nghề, về nghiệp ngoại giao.
Lần giở từng trang sách, người đọc sẽ tìm thấy những bí quyết không thể thiếu của một người làm công tác phiên dịch cho các sự kiện chính trị lớn qua câu chuyện của ông Vũ Khoan trong những chuyến tháp tùng Bác Hồ. Từ chuyện trình quốc thư (nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng) đến chuyện “hậu trường” trong quá trình chuẩn bị đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tâm Chiến)… “Những câu chuyện giản dị ấy không chỉ giúp cho những người đang và sẽ làm ngoại giao hiểu thêm về công việc của mình mà còn giúp những người không làm nghề biết đến những công việc không kém phần gian nan, vất vả của chúng tôi,” ông Vũ Khoan nói.
Bằng lối kể chuyện dung dị, nhiều khi dí dỏm, các tác giả của cuốn sách giúp người đọc khám phá tính cách, con người và văn hóa của những vùng đất mà họ đã đặt chân tới trong quãng thời gian làm ngoại giao của mình, đúng như lời giới thiệu cuốn sách của nhà thơ Việt Phương “từng mẩu chuyện, nhỏ nhoi mà lớn rộng, nhẹ nhàng mà ý nhị, như chơi mà rất thật, bình thường mà xúc động, hóm hỉnh mà nghiêm trang, tự nhiên mà điêu luyện, nề nếp mà sáng tạo.”