Cuốn sách này là kết quả bước đầu của việc nghiên cứu chuyển đổi tôn giáo và chuyển đổi tôn giáo ở vùng Nam Bộ, Việt Nam, nhằm phục vụ cho đề tài trọng điểm ĐHQG TPHCM.
Chuyển đổi tôn giáo là một hiện tượng văn hóa xã hội, một trong những dạng thức của sự thay đổi tôn giáo và diễn ra thường xuyên trong lịch sử tôn giáo nhân loại. Hiện nay, trên thế giới, chuyển đổi tôn giáo đang trở thành một trong những vấn đề tôn giáo đương đại, đặc biệt là các trường hợp chuyển đổi sang Hồi giáo, Tin lành và các hình thức tôn giáo mới. Với nhịp điệu nhanh hơn, rộng lớn và đa chiều hơn. Chuyển đổi tôn giáo đang đặt ra nhiều vấn đề nhạy cảm về văn hóa – xã hội trong một quốc gia và có thể thách thức về an ninh, chính trị trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế.
Về mặt học thuật, vấn đề chuyển đổi tôn giáo đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, tiếp cận toàn diện, theo nhiều chiều kích với các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu cụ thể và họ đã có những quan điểm thống nhất về các thuật ngữ, khái niệm công cụ liên quan để chuyển đổi tôn giáo, mô hình hóa bối cảnh, tác nhân và các giai đoạn cơ bản của một quá trình chuyển đổi sang một tôn giáo khác.
Về phương diện lịch sử, các học giả cũng đã mô tả tường tận diện mạo của các trường hợp chuyển đổi sang các tôn giáo truyền thống, chủ lưu như trường hợp chuyển đổi sang Do Thái giáo, sang Phật giáo, sang Hồi giáo, sang Kitô giáo, …