Việc vua Gia Long sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 chính là dấu mốc quan trọng xác nhận sự chiếm hữu chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa và là biểu tượng của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Đây là sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của vua Gia Long, từ kế nghiệp tiền nhân khai thác Hoàng Sa, Trường Sa một cách tự nhiên, tiến đến việc công khai chiếm hữu Hoàng Sa, tạo điều kiện cho các triều đại kế vị thúc đẩy mạnh mẽ việc xác lập, kiểm soát và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này và những vùng biển đảo khác của Việt Nam.
Trong sứ mệnh thiêng liêng này, việc tuyên truyền về biển, đảo quê hương để mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng ý thức được việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia là trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc, có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tác phẩm "Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử" tập hợp 28 bài viết của các nhà nghiên cứu như Đỗ Bang, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Nhã, Trần Đức Anh Sơn, Phan Thuận An vân vân từ thời phong kiến đến hiện đại một lần nữa khẳng định về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam, phản bác luận điểm xuyên tạc và sai trái lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tác giả đã cố gắng sưu tầm các nguồn tư liệu lưu trữ từ thời thuộc địa, Việt Nam Cộng hòa đến tài liệu lưu trữ nước ngoài của Nhật Bản, hệ thống bản đồ cổ của Trung Quốc và phương Tây để chứng minh về chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.