The Scarlet Letter (Bản dịch Tiếng Việt: Chữ A màu đỏ) là một cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1850 của Nathaniel Hawthorne và được xem là một kiệt tác của ông.
Câu chuyện kể trong tác phẩm xảy ra ở Boston vào giữa thế kỷ 17, khi một phụ nữ trẻ đẹp (Hester Prynne) bị buộc phải mang mẫu tự “A” (viết tắt của Adultery nghĩa là ngoại tình) màu đỏ thắm thêu trên ngực áo vì bị khép vào một tội mà xã hội thời bấy giờ kết án hết sức nghiêm khắc – tử hình nếu không có yếu tố khoan dung, và thường thì được rất ít khoan dung.
Một điểm hết sức đặc biệt là, xuyên suốt cả cuốn sách, tác giả không hề chỉ ra đích danh tội này, tuy người đọc nguyên bản nào cũng nhận biết. Điều này có nghĩa là tác giả không có chủ ý nói về chính cái tội, mà muốn trình bầy những hệ lụy mà phạm nhân phải gánh chịu sau khi bị lên án vì cái tội này.
The Scarlet Letter chịu nhiều ảnh hưởng của Thanh giáo và xoay quanh những tâm trạng tội lỗi, lo lắng và buồn khổ. Trong tác phẩm này, tác giả sử dụng bối cảnh của xã hội Thanh giáo khép kín, có tính áp đặt, độc đoán, để biểu hiện cho nhân loại nói chung. Tư tưởng và cách hành xử của Thanh giáo cũng cho phép tác giả dựng nên hình tượng tâm hồn con người sống dưới tư duy thiển cận và cung cách áp bức khắt khe, đến nỗi con người như thế có phản ứng thách thức, bất chấp, gần như nổi loạn. Các nhân vật Hester, Dimmesdale và Chillingworth, trong khi là những tín đồ của Thanh giáo, cũng biểu hiện là những thực thể ngoài đời.
Được xem là một trong những “tiểu thuyết lãng mạn” kinh điển của nền văn học Mỹ, Chữ A màu đỏ là một kiệt tác với những phân tích thấu đáo mạnh mẽ về tâm lý và tâm linh con người lồng trong những quan tâm sâu sắc đến tội lỗi, hình phạt và cứu chuộc.