Thăng Long - Hà Nội xưa được coi như cái "chợ lớn" của nhiều "chợ quê", là nơi "đất lành chim đậu", là mảnh đất thiêng xứng đáng là "thượng đô của cả nước", "của muôn đời" (Chiếu dời đô)
Chợ Thăng Long xưa tuy có phân biệt với làng quê thôn dã nhưng lại không thể tách biệt khỏi làng quê. Những nếp sống, thói quen, nghề nghiệp, rồi những tín ngưỡng, hội hè...mà người bốn phương mang từ làng quê ra đất kinh kỳ hiến cho Thành thị Thăng Long. Nói đến chợ là nói đến buôn bán, tuy nhiên ngoài việc bán mua chợ Hà Nội còn là một không gian văn hóa phản ánh lối sống của người dân chốn kinh kỳ vốn nổi tiếng thanh lịch, sành ăn, sành mặc, sành dùng...
Chợ Hà Nội xưa và nay giới thiệu quá trình hình thành và phát triển các chợ lớn của Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Nhiều chợ cổ vẫn còn tồn tại đến bây giờ cùng với thời gian. Một số chợ đã được nâng cấp thành siêu thị. Một số chợ đã mất đi do những thay đổi của đời sống xã hội. Song có một điểm chung nhất là nói đến chợ Hà Nội, có lẽ người dân "gốc" Hà Nội, hoặc những ai từng đôi lần đặt chân đến chợ Hà Nội xưa sẽ không thể nào quên được những cảm xúc, những ấn tượng thích thú và mới lạ cứ đeo đẳng họ suốt đời.
Mời bạn đón đọc.