Dương Thị Xuân Quý (1941 - 1969) đã sống một cuộc đời sôi nổi của một nhà báo, một nhà văn cách mạng: Chị làm bất cứ việc gì, đi bất cứ đâu, sống bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng thoải mái, cũng hào hứng.
Dù viết về vấn đề gì, nhân vật chính trong tác phẩm của Dương Thị Xuân Quý vẫn là người phụ nữ mới, với cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho bản thân. Chị đã thấy được đằng sau cái vỏ ngoài bình đẳng là sự bất bình đẳng sâu xa giữa người phụ nữ và nam giới ở nông thôn. Nó được biểu hiện một cách tinh vi, dưới những dáng vẻ thanh cao, đẹp đẽ, cụ thể nhất là qua tác phẩm "Chỗ đứng".
Thời gian sau, truyện "Hoa rừng" Dương Thị Xuân Quý đã dựng lên hình ảnh các chiến sĩ ở một trạm đường dây, suốt ngày gùi cõng, đưa bộ đội, cán bộ hành quân, đêm về lại tổ chức văn nghệ để động viên những người ra trận.
"Nhật ký chiến trường" của Dương Thị Xuân Quý chính là những trang nhật ký riêng tư của chị về những ngày đã sống và làm việc trong quãng thời gian rời thủ đô Hà Nội đến khi rời căn cứ A7 miền tây Quảng Nam đi chuyến công tác đầu tiên, và cũng là cuối cùng, xuống chiến trường đồng bằng.