Nội dung cuốn sách đã phác họa nên một bức tranh toàn cảnh về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc ta trong thời kỳ phong kiến – triều vua Tự Đức (1848-1883).
Vua Tự Đức và triều đình đã phải đối diện với những khó khăn về đối nội và đối ngoại như: sự đe dọa xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây, sự “ly tâm” trong hàng ngũ quan lại trong triều. Với những chính sách tôn giáo lớn thời kỳ này như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và đặc biệt là Công giáo, vua Tự Đức muốn gửi gắm vào đó khát vọng bảo vệ bản sắc dân tộc và giữ gìn non sông bờ cõi trước âm mưu xâm lược của kẻ thù. Song sự kiệt quệ về kinh tế, khối đại đoàn kết dân tộc bị chia rẽ giữa dân lương và dân giáo, sự không thống nhất giữa chủ trương chủ chiến và chủ hòa trong triều đình Nguyễn thời kỳ này…, tất cả đã dẫn tới kết cục đen tối: nước ta từ nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cũng từ đây dân tộc ta bước vào quá trình đấu tranh không mệt mỏi để giành độc lập dân tộc suốt nhiều thập kỷ sau đó. Do đó, chính sách tôn giáo dưới thời vua Tự Đức (1848-1883) là bài học kinh nghiệm quý báu cần nghiên cứu một cách có hệ thống.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho những nhà hoạch định chính sách về tôn giáo, những nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc quan tâm về vấn đề này.