Tiểu thuyết Chín bỏ làm mười lấy bối cảnh là không gian khu phố cổ Hà Nội những năm 60 của thế kỉ XX. Khác với lối viết chương hồi thông thường, câu chuyện được kể lại bằng việc thay đổi linh hoạt giọng kể. Lần lượt, 7 ngôi kể là: cậu bé Nam Mọt sách, bác Lẫm Biết tuốt, chị Tâm mun, ông Biếc Dân phòng, chị Hiếu "cơm", Lâm đồng cô và thủ từ Khiêm, bằng suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình đã thuật lại mọi sự việc trong khu phố Hàng Nồi một cách đầy sinh động và chân thật. Bằng đấy nhân vật, là những đại diện tiêu biểu của con phố nhỏ mà ẩn chứa trong đó vô vàn rắc rối, mâu thuẫn của xã hội những năm sau khi hòa bình lập lại.
Chín bỏ làm mười là tâm thức cư xử của người Việt, đã được tác giả lựa chọn làm chủ đề chính của tiểu thuyết. Có những việc, nếu cứ hành xử theo cách này thì mọi chuyện sẽ đi vào bế tắc và con người càng thêm hằn học, tức tối và căm ghét nhau hơn. Vì chín bỏ làm mười mà trong gia đình tam đại đồng đường, cha mẹ, con cái mất đoàn kết, suốt ngày bì tị nhau; bà con lối phố chành chọe, dòm ngó nhau; dịch vụ thương nghiệp coi thường khách hàng mà khách cũng e dè ngại phản ảnh...