Điểm chung giữa Socrates, Hypatia, Giordano Bruno, Thomas More và Jan Patocka là gì? Thứ nhất, vào một ngày nào đó, tất cả họ đều phải đối diện một trong những lựa chọn khó khăn nhất: hoặc trung thành với tư tưởng của mình và chết; hoặc khước từ chúng và tiếp tục sống. Thứ hai, tất cả họ đều chọn chết. Những cái chết ngoạn mục của những triết gia này không chỉ trở thành một phần tiểu sử mà còn không thể tách rời tác phẩm của họ. Một “cái chết cho tư tưởng” hoàn toàn có tư cách của một tác phẩm triết học; Socrates có thể chưa từng viết một dòng nào song cái chết của ông là một trong số những tác phẩm triết học bán chạy mọi thời đại.
"Chết cho tư tưởng – Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia" khám phá những tình huống giới hạn mà các triết gia tìm thấy bản thân mình khi phương tiện thuyết phục duy nhất mà họ có thể sử dụng là cơ thể đang đi đến sự chết và cảnh tượng cái chết của họ trước công chúng. Cuốn sách này kể câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa triết gia với cái chết từ một vài góc độ: truyền thống triết học như là nghệ thuật sống; thân thể như là nơi của sự siêu vượt bản ngã; cái chết như một chủ đề kinh điển của triết học; việc thuần hóa cái chết và tự phục trang cho bản ngã; cuối cùng là sự hiến sinh của triết gia, màn trình diễn trực tiếp cái chết của một kẻ tử đạo mà sau đó là sự sùng bái dành cho triết gia và sự tan biến của ông ta vào huyền thoại.
Dù bắt nguồn từ lịch sử triết học, "Chết cho tư tưởng – Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia" là một thực hành phá vỡ ranh giới của các chuyên ngành. Đây là cuốn sách về Socrates và Heidegger, nhưng nó cũng nói về “cuộc tuyệt thực” đến chết của Gandhi và những vụ tự thiêu; về Girard và Passolini, về sự phục tranh cho bản ngã và nghệ thuật của thể loại tiểu luận.