Tình yêu trong Chân Trời Tan Hợp của nhà văn Phạm Xuân Tich, không mang chung sắc thái lãng mạn tình tự, đóng khung trong định mệnh lớn như Thúy Kiều với Kim Trọng của Nguyễn Du, như Trương Quân Thụy với Thôi Oanh Oanh-Tây Sương Ký-của Vương Thục Phủ, như Romeo and Juliet của Shakespeare …Tình yêu trong Chân Trời Tan Hợp cũng không chia sẻ giây phút“Ôi! Buồn Nãn xác thịt! La chair est triste, hélas!”- hay cảm giác “tình yêu là sa mạc”-của nàng Thérèse Desqueyroux của Francois Mauriac…
Tình yêu trong Chân Trời Tan Hợp của Phạm Xuân Tích là trách nhiệm đùm bộc lấy nhau, là nơi ẩn náo của những tâm hồn tư cố hương, tìm về nguồn cội, một thoáng ấm cúng nồng nàng tình yêu quê hương. Tình yêu trong Chân Trời Tan Hợp, là bến đợi, là sự trở về những tâm hồn mà quê hương đã một lần bị tước đoạt. Nguyên, Tâm , Hằng, Thức và Xuân, những nhân vật trong Chân Trời Tan Hợp, khi nghĩ đến quê hương, họ đau đớn. Niềm đau đớn của họ không có đơn vị nào có thể đo lường được. Niềm đau đớn của những giọt mưa rào tan vỡ trên trên sân gạch, trên mái ngói rêu phong của ngôi nhà ký ức, Hà Nội năm xưa, Saigòn hôm qua…Như những giọt mưa, tâm tư hoài cố hương của họ bình yên, không gợn hận thù, không có đấu tranh. Những bối cảnh trong Chân Trời Tan Hợp với nhà thờ Notre Dame gợi nhớ Nhà Thờ cửa Bắc-Hà Nội, Nhà Thờ Đức Bà-Saigòn. Vẫn dáng đứng trầm ngâm như thuở nào, Đức Mẹ mong đợi đàn con xa xứ trở về. Những tách cà phê tại những quán cà phê tại Paris, Les Deux Magots, gợi nhớ hình ảnh những quán cà phê Saigòn: Givral, Imperial, Lido, Continental… Vô tình, màu đen đậm đặc của tách cà phê của Paris còn lắng đọng biết bao kỷ niệm của Hà Nội với năm Cửa Ô, của Saigon với những con đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Công lý …Xuân, một nhân vật của Chân Trời Tan Hợp đã giới thiệu tách cà phê Les Deux Magots cho Thức, người bạn đồng hương mới đến từ Californie, Hoa Kỳ: “Cà phê nơi đây không đặc quánh như cà phê xứ Ý và không quá loãng như cà phê Hoa kỳ. Nhưng đã tạo nên không khí êm đềm, quyến rũ của quán, chính là hương thơm của thời gian nghe lắng đọng, kéo dài từ quá khứ xa xôi và nối kết với hiện tại…”. Cuộc gặp gỡ giữa Xuân và Thức, của đôi bạn tâm tư lắng động về quê hương đã mất, trong khung cảnh của mùa Thu có nắng vàng trải dài trên sông Seine-“Paris tuy cô đơn nhưng không sầu buồn, chìm đấm trong mộng mơ nhưng không lãng quên thực tế”. Thực tế ở đây phải chăng là tấc lòng tư cố hương, và vùng đất dung thân trước sau gì cũng chỉ là Bà Mẹ Nuôi.