Đọc truyện ngắn Trần Quang Nghiệp, ta thấy nhà văn không đề cập đến những vấn đề rộng lớn của xã hội mà chỉ tập trung khai thác những vấn đề “vụn vặt” của cuộc sống và đạo đức con người, đặc biệt là ở “thiềng thị” miền Nam những năm 20 của thế kỉ trước bằng một lối viết rất hấp dẫn, đặc sắc mang đậm dấu ấn riêng. Giống như nhiều nhà văn Nam Bộ cùng thời, vấn đề xuyên suốt truyện ngắn Trần Quang Nghiệp là vấn đề đạo đức, nhân cách con người trong xã hội giao thời. Ở mảng đề tài này, ông đã nắm bắt và phản ánh linh hoạt từng khía cạnh của cuộc sống ảnh hưởng đến nhân cách con người. Đó là câu chuyện về tên quan Huyện háo sắc trong Lỗi bù lỗi, là những cô gái quê sính cuộc sống thành thị hào nhoáng, được “ăn trắng mặc trơn” trong Chuyến xe trưa; hay những kẻ chuyên lợi dụng sự cả tin, hám lợi để đi lừa đảo: lúc thì là câu chuyện lừa lọc xảo trá trong kinh doanh (Gặp người khách quý, Ai muốn làm giàu), khi thì lợi dụng những kẻ háo sắc để lừa gạt (Ba cô áo trắng), trong thời buổi khó khăn, túng quẫn ngay cả bạn bè cũng lường gạt nhau (Gặp người bạn cũ); và cả sự tha hóa đạo đức của cha mẹ đối với con cái trong Trên lầm dưới lỗi để đến đỗi có một kết cục bi thảm: con trong cơn phẫn uất đã giết cả cha lẫn mẹ... Truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp “không có tham vọng mô hình hóa toàn bộ cuộc sống mà chỉ có thể là một trường hợp nào đấy của hiện thực bỗng nhiên chớp nhoáng làm cho toàn bộ cuộc sống nổi rõ hơn bởi sự bí ẩn của nó được khám phá nhờ tri thức của tác giả biết ghi nhận sự việc thường không ai ghi nhận, biết cảm giác những giá trị bị người đời bỏ qua, biết đưa ra nhiều khía cạnh của thế giới chúng ta hằng quen thuộc và xếp đặt lại theo cách mà chúng ta không hề nghĩ tới”. Thật vậy, ông đã làm một cách rất khéo những điều tưởng chừng như “không có gì” ấy. “Chỉ khoảng một vài trang, truyện ngắn của ông như những lát cắt ngang cuộc sống, có khi chỉ là một chi tiết, một mảnh đời nhỏ, một ngày trôi qua, hay thậm chí một khoảnh khắc trong đời người... nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa”.