Thủy Hướng Dương (sinh năm 1972) có cách viết thấy nhiều ở những tác giả cùng lứa với chị hoặc trẻ hơn, kiểu mô tả hiện thực đơn giản, đi thẳng vào cuộc sống với những chi tiết rất đời thường, ngay từ tên những địa danh: vườn hoa Con Cóc, nhà khách Chính phủ, ga Hàng Cỏ, phố Đường Thành, xóm liều Thanh Nhàn… Hầu hết đều thuộc về Hà Nội. Cách viết này có cả ưu điểm và nhược điểm, giúp tác phẩm tạo cảm giác thân thuộc với những người sống ở Hà Nội, nhưng không có ảnh hưởng tương tự đối với những người sống ở địa phương khác.
***
“…Có những điều tưởng chừng những đứa trẻ con chẳng bao giờ có thể làm được vì non nớt thì hóa ra không phải. Chúng đã vực nhau dậy để sống như một Con Người, giống như bản chất lương thiện vốn có ban đầu của những thiên thần mang tên “Trẻ em”, cho dù đôi lúc phải chịu sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của một bộ phận xã hội chỉ vì chúng là “Những đứa trẻ lang thang”
Ở trong cuốn sách này, có những đứa trẻ chỉ quen với lừa lọc, lạnh lùng, vô cảm bỗng trở nên sống có tình người bởi sự yêu thương của Long và những người bạn.
Cũng ở trong cuốn sách này, chúng ta sẽ được gặp lại những cảnh bi thương, khốc liệt của cuộc sống đường phố, cuộn sống của những con người ở dưới đáy xã hội, những mưu mô, mánh lới mất nhân tính chỉ vì tiền… để giận, để đau, rồi thương từng nhân vật.
Cát bụi nơi thành phố sẽ không còn là cát bụi nếu thế giới vẫn tồn tại những tâm hồn ngây thơ, trong trẻo…”