Ở cuốn sách này, bên cạnh những nguyên lý mỹ học âm nhạc “khô khan”, phần lớn quyển sách là những câu chuyện kể, những giai thoại nhạc sĩ, hoặc giới thiệu nét đẹp của các tác phẩm âm nhạc đa dạng (ca khúc, nhạc kịch, giao hưởng …) nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Có cả nhạc hàn lâm, nhạc truyền thống dân tộc và nhạc giải trí.
Sách được chia làm 5 phần: Phần 1: Nguyên lý mỹ học âm nhạc; Phần 2: Câu chuyện, giai thoại âm nhạc của các nhạc sĩ và các danh nhân; Phần 3: Hương sắc âm nhạc phương Tây qua các thời đại; Phần 4: Thưởng thức nhạc giải trí; Phần 5: Nét đẹp nhạc Việt.
Có thể nói, 4 phần sau của cuốn sách thiên về “lịch sử” âm nhạc, nhưng đó là những câu chuyện mà thông qua nó, người đọc có thể nhìn ra vẻ đẹp của âm nhạc. Cũng có khi TS Thế Bảo dùng những “cặp” tác giả, tác phẩm như một phép so sánh để nêu bật cái đẹp trong âm nhạc của từng nhạc sĩ, từng tác phẩm. Ở nội dung này chúng ta có thể bắt gặp những cái tít có những cái tên quen thuộc trong đời sống âm nhạc như: Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, Trần Tiến và Dương Thụ, Phó Đức Phương và Nguyễn Cường, Bài hát Việt và Chiếc khăn Piêu…