"Apprendre à apprendre”(“học cách học”) là một khẩu hiệu nổi tiếng trong tiếng Pháp và không dễ… dịch, vì động từ “apprendre” trong tiếng Pháp dường như có cả hai nghĩa trong tiếng Anh: “to teach” và “to learn”! Không có sự tách bạch giữa “dạy” và “học”, vì vị trí của chúng đôi khi có thể thay thế cho nhau, hay nói ngắn, giữa chúng có một sự “vận động”. Sự vận động ấy chính là phương pháp.
Từ khi René Descartes viết quyển “Các quy tắc hướng dẫn tư duy” (Règles pour la direction de l’esprit) năm 1628 và “Luận văn về Phương pháp” (Discours de la Méthode) năm 1637, khoa học và tư duy khoa học thật sự bước vào thời hiện đại, tức, ta không còn có thể suy nghĩ và làm việc như thể không có… Descartes được nữa! Gần bốn thế kỷ đã trôi qua với biết bao sự cải tiến và tinh vi hóa về phương pháp trên mọi lĩnh vực, nhưng mục tiêu của nó không thay đổi, đúng như Kant đã nói:“Ta không thể học triết học, mà chỉ có thể học cách triết lý”hay như lời của Albert Einstein:“Giá trị của một nền giáo dục (…) không phải là dạy và học được nhiều sự kiện mà là đào luyện cho tinh thần biết tư duy…”.
Bộ sáchCẨM NANG TƯ DUYnày dành cho mọi độc giả, từ học sinh, sinh viên đến các giảng viên, các nhà nghiên cứu, doanh nhân, người đã đi làm cũng như quý phụ huynh… muốn nâng cao năng lực tư duy của mình. Học sinh, sinh viên có thể đọc cẩm nang như tài liệu tham khảo để học tốt các bộ môn; quý phụ huynh có thể sử dụng cẩm nang để vừa nâng cao năng lực tư duy của mình vừa giúp con em mình phát triển các kỹ năng tư duy cần thiết để học tốt; các giảng viên, nhà nghiên cứu có thể sử dụng cẩm nang để xây dựng tốt các chủ đề của mình; người đã đi làm, doanh nhân… có thể áp dụng các kỹ năng, ý tưởng của cẩm nang vào công việc và cuộc sống.
(Bù Văn Nam Sơn)