Thời kỳ được nghiên cứu trong công trình này là một trong những thời kỳ nhộn nhạo, đẫm máu và rối ren nhất của lịch sử Việt Nam. Thời kỳ của cuộc nội chiến kéo dài, xen kẽ những cuộc hưu chiến thất thường, trở nên trầm trọng hơn với những rối loạn liên tục, những cuộc nổi dậy được lặp đi lặp lại. Thời kỳ nền quân chủ bị đẩy vào bóng tối, các quyền lực phong kiến xuất hiện trở lại với những bộ mặt đầy vẻ gây hấn, đất nước bị xẻ đôi với những xâu xé và những cơn rúng động dẫn đến việc đặt lại vấn đề về sự quân bình tồn tại cả ngàn năm và đẩy các cấu trúc xã hội truyền thống tới ngưỡng đổ vỡ.
Các thế kỷ XVII và XVIII có thể được xem như một sự chuyển tiếp trong đó, Việt Nam, được mở rộng về mặt diện tích, đối diện với chính những đòi hỏi phải “điều chỉnh”, bất ngờ mở ra trước một đời sống quốc tế bị chủ nghĩa bành trướng châu Âu chế ngự, phải trải qua một cuộc phân tranh đau đớn trước khi thấy lại sự thống nhất được củng cố. Trong khi các cuộc cạnh tranh được thổi bùng lên, những yếu tố ly tâm của quốc gia hoành hành, thì những nền tảng mới được hun đúc, các yếu tố biến đổi và tích hợp tiếp tục hướng đi tiềm ẩn của chúng tới một sự hài hòa ở mức độ cao hơn.
Bức tranh tổng quát tập hợp những cái nhìn đại thể về các lĩnh vực kinh tế khác nhau của thời kỳ này, cũng từng ấy bức tranh nhỏ, những bức ảnh chụp chớp nhoáng đặt dưới nhãn hiệu của sự biến chuyển và được phân ra thành hai chủ đề lớn, theo quan niệm Nho giáo về kinh tế:
- Những biến chuyển của các cơ sở nông thôn,
- Sự phát triển của thượng tầng đô thị và thương mại.