Thủa bé, tôi sống với bố mẹ ở xóm đê Yên Phụ. Đó là một xóm nghèo với những đứa trẻ nghịch ngợm, thông minh và lam lũ. Sau này, chồng tôi cũng ở xóm nhỏ La Thành với con đê lầy lội và một mái nhà tranh. Sau khi chồng mất, tôi nhiều lần xuống nghĩa trang Văn Điển thăm mộ anh và đã bắt gặp các em bé tần tảo kiếm sống ở đây... Bởi vậy từ bé tôi đã rất quen với cảnh trẻ em lam lũ kiếm sống cùng các chuyện éo le của gia đình. Tôi biết, mình không thể giầu có hoặc tài năng đến mức có thể góp phần cải thiện được thực tế này. Nhưng tôi hi vọng mình có thể chia sẻ và thông cảm bằng tất cả tâm hồn chỉ với một cây bút nhỏ. Tôi đã quan sát, ghi chép và cặm cụi ngồi viết lại những gì tôi cảm nhận, suy tư và xót thương số phận của những trẻ em không may mắn. Cuốn Bỏ trốn được đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chuyển thành phim nhựa và đã đoạt giải bạc của Hội Điện ảnh năm 1996...
(Phan Thị Thanh Nhàn)
Vốn là một nhà báo xông xáo thâm nhập thực tế, ngòi bút của chị không ngần ngại miêu tả chân thực những cảnh đời bất hạnh, những số phận bèo bọt trong xã hội, những kế sinh nhai đến khó tin. Tác phẩm Bỏ trốn ra đời vào lúc đất nước sang trang đổi mới, cùng với sự tưng bừng của công cuộc phát triển kinh tế, những tai họa và những nỗi bất hạnh thời bình đã rình rập đe dọa đời sống các gia đình và đau khổ đổ ập xuống mái đầu xanh của con trẻ.
Nhân vật bé Thi trong Bỏ trốn dường như đã phải chịu dồn dập những tai họa liên tiếp. Trước hết bé là nạn nhân của cảnh ly hôn, bố mẹ đột ngột không cùng chung sống, người cha đi theo một hạnh phúc khác. Sau đó, là tai nạn giao thông đã cướp đi người mẹ yêu quý của bé Thi. Cô bé mồ côi được sống trong căn nhà của người bác ruột với những nỗi tủi thân do cảnh bác dâu “khác máu tanh lòng” để rồi tình cảm gia tộc tưởng như ngàn năm bền vững đã bị làn sóng “tham vàng bỏ ngãi” xô đổ. Sự hiểu nhầm về hai chỉ vàng đã khiến cô bé bỏ nhà ra đi… theo một đám tang, rồi đi đến bên mộ bà nội, và rơi vào cuộc sống của “cư dân nghĩa trang”…