Người Giarai và người Bana cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên tin rằng, sau khi chết, linh hồn của người chết sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên. Thế nhưng, theo quan niệm của họ, linh hồn của người chết không đi hẳn, không sống hẳn ở thế giới bên kia, mà sau một thời gian linh hồn đó sẽ trở lại – tái sinh làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Vì vậy đối với người Giarai và người Bana, chết không phải là hết, mà chỉ chuyển trạng thái sống của một cá thể: từ trạng thái vật chất sang trạng thái siêu hình, để rồi sau một thời gian lại chuyển từ trạng thái siêu hình sang trạng thái vật chất. Chính do có quan niệm như vậy về cái chết nên người Giarai không sợ những người chết (những người chết bình thường) và có cách ứng xử riêng với người chết.
Chính vì tin rằng khi chết linh hồn của người chết sẽ sang sống ở thế giới bên kia của tổ tiên nên cả người Giarai và người Bana (cùng nhiều tộc người khác ở Tây Nguyen) có tục làm lễ bỏ ma (hay bỏ mả) để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi hay để chuyển trạng thái sống cho người chết. Chỉ sau lễ bỏ ma đó, linh hồn người chết mới hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc với cuộc sống, mới thực sự đi đến “quê hương” cội nguồn của mình, còn người sống thì được giải phóng thực sự khỏi mọi liên hệ với người chết.