Trong cuộc gặp gỡ với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 9 tháng 4 năm 2009, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã ghi nhận những đóng góp tích cực và kiến nghị thẳng thắn và sôi nổi về những vấn đề liên quan đến đất nước. Ông khẳng định: “Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học. Đây không phải là vấn đề mang tính lý luận, mà đây là nhận thức, là quan điểm. Sự đóng góp của các nhà khoa học, trí thức rất to lớn, hiệu quả trong công cuộc kháng chiến cứu quốc trước đây, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Không ai có thể phủ nhận những đóng góp, công lao to lớn này”. Ông yêu cầu các nhà khoa học tham mưu cho Nhà nước trong những gì trực tiếp liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo… Và ông kết luận: “Những gì Đảng và Nhà nước không nói được thì các đồng chí thuộc các tổ chức phi chính phủ phải nói…”.
Chính trong tinh thần và ý hướng đóng góp đó, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình cùng với NXB Tri thức tổ chức tọa đàm khoa học về “Biển Đông và Hải đảo Việt Nam”. Đây là cuộc tọa đàm khoa học đầu tiên do xã hội dân sự tổ chức. Qua tọa đàm này Ban Tổ chức mong muốn vừa thể hiện mối quan tâm của dư luận xã hội, trong cũng như ngoài nước, vừa góp phần cung cấp một số chứng cứ lịch sử và khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Kết luận rõ rệt mà tọa đàm muốn chứng minh: Những bản đồ cổ, những luận chứng lịch sử từ thời nhà Lê, chúa Nguyễn và triều Nguyễn, cũng như các châu bản của triều Nguyễn chứng minh rõ rệt rằng Việt Nam đã thực thi chủ quyền trên vùng lãnh hải rộng lớn này một cách liên tục và hòa bình.
Mãi cho đến năm 1909, sử liệu của Trung Quốc vẫn công nhận đảo Hải Nam là ranh giới phía Nam của mình. Yêu sách mới đây của Trung Quốc về cái gọi là “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông là hoàn toàn không có cơ sở lịch sử và trái với Luật Biển Quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, cho đến nay Trung Quốc cũng chưa đưa ra các bằng chứng lịch sử có sức thuyết phục về việc thực thi chủ quyền của họ trên Biển Đông từ thời xa xưa.