Từ thương hiệu hai mươi năm về trước còn là một từ xa lạ, thời gian gần đây luôn được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thương hiệu của mỗi doanh nghiệp như cái tên kèm theo lý lịch mỗi con người, nên việc xây dựng, bảo vệ hình ảnh và phát triển thương hiệu là công việc chú trọng hàng đầu của mỗi doanh nghiệp.
Trên báo Sài gòn Giải phóng số Tết 2006, ông Giản Tư Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đào tạo Doanh nhân và Giám đốc (PACE), cũng là một trong những gương mặt doanh nhân thành đạt của Việt Nam đã cho rằng để trở thành thương hiệu mạnh cần hội tụ ba điều kiện cần: Thứ nhất, doanh nghiệp đó phải được dẫn dắt bởi một doanh nhân có hoài bão và tầm nhìn xa. Thứ hai, phải biến được sức mạnh quốc gia thành sức mạnh doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp đó phải hoạt động trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao so với thế giới. Thứ ba, phải biến được sức mạnh của thời đại thành sức mạnh của doanh nghiệp…
Cuốn Bí quyết để có một thương hiệu mạnh do Công ty Cổ phần Hợp tác Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp-Vùng (REDIC) thực hiện, Nhà xuất bản Tri thức xuất bản quý IV/2007, mang lại cho bạn đọc một kiến thức sâu rộng về các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã phát triển, bảo vệ thương hiệu như thế nào. Để có thể thấy mỗi doanh nghiệp thành công đều có bước đi riêng, điều đó làm nên sự khác biệt, nhưng kinh nghiệm của doanh nghiệp này làm bài học cho doanh nghiệp khác là điều rất cần thiết, song không phải mỗi lúc mà các doanh nghiệp hiểu được cần làm gì để tạo nên gương mặt riêng cho mình. Trong cuốn Bí quyết để có một thương hiệu mạnh qua khảo sát nhiều thương hiệu hàng đầu trong nước các tác giả đã trình bày một cách có hệ thống dễ hiểu cho bạn đọc: Lợi thế của những thương hiệu đi tiên phong; Những thương hiệu đi sau biết khác biệt hóa; Những thương hiệu kiên định; Xây dựng yếu tố cảm xúc cho thương hiệu; Hồn thương hiệu; Xây dựng thương hiệu nội bộ; Mở rộng và liên kết thương hiệu; Đổi mới thương hiệu.