Bảo vật quốc gia là diện mạo văn hóa của một đất nước, được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Một hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia phải đáp ứng được một trong các tiêu chí:
1. Là hiện vật gốc độc bản;
2. Là hiện vật có hình thức độc đáo;
3. Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi và bổ sung) quy định đối tượng có thể trở thành bảo vật quốc gia rất rộng. Đó có thể là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định...
Tính đến nay, sau 6 đợt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Bảo vật quốc gia cho 142 hiện vật, nhóm hiện vật. Mỗi bảo vật quốc gia đều chứa đựng những nét đẹp đa dạng, phong phú và tinh hoa bản sắc dân tộc, lịch sử của nước nhà, là những di sản quý giá cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia mang lại những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.
Nhằm giới thiệu đến đông đảo quý bạn đọc những hiện vật hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học, tôn lên giá trị tinh thần, niềm tự hào về những di sản của tiền nhân để lại, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách “Bảo vật quốc gia Việt Nam”. Do chưa có điều kiện để giới thiệu tất cả bảo vật quốc gia đã được Nhà nước công nhận trong 6 đợt vừa qua, chúng tôi chỉ lựa chọn giới thiệu đến quý bạn đọc một số bảo vật quốc gia trong tổng số hơn 140 hiện vật, nhóm hiện vật đó. Hy vọng cuốn sách sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về văn hóa - lịch sử - khoa học của bạn đọc trên cả nước.