Bánh Trái Mùa Xưa là một cuốn sách nhỏ xíu và vuông vức như một cái bánh. Nhỏ vậy nhưng lại thân thương mộc mạc biết dường nào.
Nguyễn Ngọc Tư trải lòng trong cái góc nhỏ miền Tây đã nuôi dưỡng tâm hồn chị. Góc nhỏ ấy có tấm lưng ông ngoại, có căn nhà chất đầy những món đồ hoài cổ, có mái hiên của bà cụ hiền như bà nội, có những chiếc bánh thảo thơm đồng bãi,... Cứ thế miền Tây hiện ra gần gũi tưởng như có thể chạm tới để cảm nhận cách sống, con người phóng khoáng nơi sông nước chứa chan tình cảm.
Nhưng Bánh Trái Mùa Xưa rất buồn. Buồn vì những gì đã mất đi không bao giờ còn có thể lấy lại. Buồn vì cuộc sống hiện đại chà mòn những vẻ đẹp đơn sơ thấm đẫm tình người. Buồn vì giá trị vật chất đang lấy đi những hoài niệm.
Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư ngắn ngủi. Chị dùng câu chữ đơn giản mà lại đẹp lạ thường. Miền Tây quê mùa chân chất hồn hậu nhưng lại khiến lòng người đau nhói. Bánh trái mùa xưa - hồi ức mùa xưa ở đâu trong cuộc sống tiện nghi hiện đại? Để rồi nhìn lại, độc giả sẽ cay đắng nhận ra lòng mình đã không còn buộc dây nơi bến cũ, tiếc nuối thì rồi cũng sẽ để đấy thôi.
Bánh Trái Mùa Xưa đâu chỉ dành cho những ai yêu miền Tây, những ai thuộc về miền Tây. Câu chuyện miền Tây của Nguyễn Ngọc Tư đang hiện hữu trên khắp mọi miền đất nước, khi mà những món quà, những hình ảnh xưa cũ đã một thời gắn chặt với con người nông thôn đang mai một dần. Người có tâm bất lực, kẻ vô tâm chỉ liếc mắt qua.
"Cũng phải, dẹp cả một nền văn hoá thảo thơm đồng bãi, đâu có dễ..."